Bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp
Công nghệ - Ngày đăng : 07:21, 16/01/2023
Huyện Gia Lâm có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích 145,5ha, gồm: Cụm công nghiệp Phú Thị (nằm trên địa bàn các xã: Phú Thị, Dương Xá); Cụm sản xuất làng nghề tập trung Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ); Cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng); Cụm công nghiệp Ninh Hiệp và Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro (xã Ninh Hiệp).
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Hợi cho biết, các cụm công nghiệp trên địa bàn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra nhiều sản phẩm và tạo việc làm cho gần 8.700 lao động, với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại Cụm công nghiệp Phú Thị, có 30 doanh nghiệp đang thuê đất để hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số 1.153 lao động. Giám đốc Công ty cổ phần Chần Bông Tín Phát (Cụm công nghiệp Phú Thị) Phan Lê Nam cho biết, đơn vị có 80 lao động, chủ yếu là người địa phương, có thu nhập từ 7 triệu đến 15 triệu đồng/người/tháng, tùy từng vị trí công việc... Mặt hàng đơn vị sản xuất là bông và chần bông, phục vụ chuỗi may mặc xuất khẩu. Đối tác của đơn vị chủ yếu ở châu Âu, yêu cầu về vấn đề môi trường rất cao.
“Hằng năm, các đối tác thực hiện đánh giá môi trường một lần, nếu không đạt các tiêu chuẩn về: Bụi, tiếng ồn, nén khí, xử lý rác, nước thải, phòng, cháy chữa cháy, kết quả quan trắc môi trường, an toàn sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng…, đơn vị sẽ bị đối tác hủy hợp đồng mua hàng. Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường tại đơn vị nói riêng và cụm công nghiệp nói chung đều được thực hiện nghiêm túc. Môi trường sản xuất tại đơn vị phải bảo đảm theo tiêu chuẩn châu Âu (BSCI). 100% công nhân của đơn vị sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất”, ông Phan Lê Nam cho biết thêm.
Tương tự, tại Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam - Vietfoods Lê Thị Hậu Phương chia sẻ, mặt hàng sản xuất của công ty là thạch rau câu các loại, bánh quy chấm kem. Ngoài nguyên liệu phải nhập khẩu để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, công ty lựa chọn, sử dụng nguyên liệu là nông sản từ các vùng sản xuất an toàn, có chứng nhận của cơ quan chức năng để đưa vào dây chuyền sản xuất. Hằng năm, công ty đều thực hiện đo kiểm tra và làm báo cáo quan trắc về môi trường sản xuất; đào tạo kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động và khám sức khỏe định kỳ cho 100% công nhân...
Theo rà soát của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm, đến nay, 5/5 cụm công nghiệp trên địa bàn có trạm xử lý nước thải; 4/5 cụm đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 4/5 cụm có hệ thống thu gom nước thải và nước mưa riêng biệt. Các cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp đã ký hợp đồng đấu nối, xử lý nước thải theo quy định. Riêng Cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng đã được đầu tư trạm xử lý nước thải và đưa vào vận hành với công suất thiết kế 4.248m3/ngày-đêm. Tuy nhiên, tính chất nước thải của Cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng không phù hợp với công nghệ xử lý. Do đó, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo đơn vị chức năng lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp và được HĐND huyện Gia Lâm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng”, trong đó có hạng mục cải tạo trạm xử lý nước thải tập trung…
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, để đạt mục tiêu tập trung giữ gìn môi trường sạch, đẹp tại các cụm công nghiệp, năm 2023, huyện phấn đấu 5/5 cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề tập trung có công trình xử lý nước thải bảo đảm chất lượng sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép; 50/128 hộ sản xuất trong khu làng nghề và làng có nghề phát sinh chất thải áp dụng biện pháp xử lý; 68/113 cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề có phát sinh nước thải công nghiệp, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại được phân loại, thu gom, xử lý đúng quy định...