Làng Thổ Quan

Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 07/12/2006

(HNMĐT)- Bên trong khu các phố Khâm Thiên, Hàng Bột và đê La Thành (đoạn từ ngã năm Ô Chợ Dừa xuống Kim Liên) ồn ào tấp nập là làng Thổ Quan - một làng cổ đã được đô thị hóa từ trên 50 năm nay.

(HNMĐT)- Bên trong khu các phố Khâm Thiên, Hàng Bột và đê La Thành (đoạn từ ngã năm Ô Chợ Dừa xuống Kim Liên) ồn ào tấp nập là làng Thổ Quan - một làng cổ đã được đô thị hóa từ trên 50 năm nay.

Làng Thổ Quan vốn gồm hai bộ phân cư dân gốc, khác nhau về đơn vị hành chính hợp thành vào giữa thế kỷ XIX) là thôn (có sách chép là giáp) Quan Thổ (ở phía Tây phố Hàng Bột) của tổng Hữu Nghiêm (huyện Thọ Xương) và thôn Quan Trạm (phía Đông phố Hàng Bột, phía Nam phố Khâm Thiên) thuộc tổng Hạ (huyện Vĩnh Thuận). Sau khi hợp nhất, làng (cũng là xã) Thổ Quan thuộc tổng Yên Hòa huyện Thọ Xương, Năm 1899, làng thuộc Khu vực ngoại thành Hà Nội, từ đầu năm 1915, thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông; từ đầu năm 1943, toàn bộ huyện Hoàn Long chuyển thành Đại lý Đặc biệt Hà Nội là đất nhượng địa của thực dân Pháp.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Thổ Quan thuộc khu vực Ngoại thành Hà Nội; trong kỳ Hà Nội tạm bị chiếm, làng thuộc quân Ngã Tư Sở của chính quyền thực dân - bù nhìn. Hoà bình lập lại, làng thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1961, làng được chia thành nhiều tổ dân phố (từ năm 1974 hợp thành một Tiểu khu) thuộc khu phố Đống Đa; từ năm 1981, tiểu khu này chuyển thành một phường thuộc quận Đống Đa.

Làng Thổ Quan xưa kia có địa dư khá rộng, song phần lớn là ao hồ, dân cư rất thưa thớt (năm 1928 chỉ có 381 nhân khẩu). Một bộ phận lớn dân làng vốn từ Châu ái (nay là tỉnh Thanh Hóa) chuyển cư ra. Các hộ gốc và đông đinh là :Nguyễn Đình, Nguyễn Thế, Lê, Trịnh, Ngô. Lúc đầu, dân cư tập trung ở các xóm : Đình, Tre (cạnh Ô Chợ Dừa), Hàng Chiếu, Nam Thái (Quan Thổ), mỗi xóm chỉ hai chục nóc nhà.

Vào những năm 30 của thế kỷ XX, làng hình thành một xóm mới, do những người Hoa lập ra nên gọi là xóm Hoa Kiều, hay Trại Khách. Họ mua hoặc thuê đất dựng nhà để cho thuê hoặc lập cửa hiệu buôn bán, lập các lò làm bánh mỳ hay mở sòng bạc.

Dân làng Thổ Quan xưa kia sống bằng nghề trồng rau muống, thả cá trong các ao hồ. Đến đầu thế kỷ XX, một số người làng ra phố làm thợ sản xuất đồ sắt (các khung cửa sổ, song sắt…). Dân làng ít người theo đuổi việc học, thời Pháp thuộc cải có vài người có bằng trung học. Dân làng lại phát về ngạch võ, có nhiều người đi lính. Sau khi người Hoa thuê đất mở các song bạc, nhiều người đã sa vào cờ bạc bị phá sản, phải bán cả ruộng, đất. Xưa kia làng rất nghèo.

Làng Thổ Quan có ngôi đình thờ ba chị em ruột họ Đào là Phương Dung, Hiển Hiệu và Quý Minh, vốn từ Thanh Hóa ra mộ binh theo Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán năm 40 rồi hy sinh ngay tại địa phận làng. Một số địa danh ghi lại sự kiện đánh giặc của các vị thần như : Bãi Trận, Ngõ Lệnh, Hồ Đồn… Trong đình còn tấm bia lập năm 1930 ghi lại sự tích ba vị thành hoàng.

Từ sau hòa bình lập lại, dân cư các nơi về sống ở làng Thổ Quan ngày một nhiều, ao hồ bị lấp dần, một số công trình văn hóa được dựng tại địa phận làng, trong đó tiêu biểu nhất là rạp chiếu bóng Dân Chủ.

Đêm 25, rạng sáng ngày 26 - 12 - 1972, máy bay giặc Mỹ ném bom vào khu vực phố Khâm Thiên, làng Thổ Quan cũng bị thiệt hại nghiêm trọng .

PGS. TS. Bùi Xuân Đính

TUYETMINH