Hà Nội chú trọng công tác bảo vệ môi trường
Công nghệ - Ngày đăng : 05:25, 24/01/2023
Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đào Thị Anh Điệp cho biết, trong giai đoạn 2017-2022, thành phố đã xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 90 hồ nội thành; xây dựng 6 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 276.300m3/ngày - đêm, đã xử lý được khoảng 28,8% tổng lưu lượng nước thải phát sinh. Việc xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp được thực hiện tốt, 100% khu công nghiệp và 60,5% cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung.
Về rác thải, đến nay, khu vực ngoại thành đã thu gom 95-100% chất thải sinh hoạt; khu vực nội thành có tỷ lệ thu gom đạt 100%; xử lý chất thải nguy hại đạt 99%...
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác bảo vệ môi trường của thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như chất lượng nước mặt sông Tô Lịch, sông Nhuệ - Đáy chậm cải thiện; nồng độ bụi trong môi trường không khí tại nhiều khu vực còn vượt tiêu chuẩn cho phép; nước thải sinh hoạt phần lớn chưa được thu gom, xử lý; mạng lưới thu gom, thoát nước thải còn chưa đồng bộ và hoàn thiện...
Để từng bước nâng cao chất lượng môi trường, trong giai đoạn 2023-2025, thành phố Hà Nội kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường các cấp cho phù hợp với thực tế và theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy và Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025"...
Ngoài ra, từ nay cho đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải, rác thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn khoảng 570 tỷ đồng; đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với số vốn khoảng 8.900 tỷ đồng.
Khi các dự án này hoàn thành, thành phố sẽ di dời các hộ sản xuất trong làng nghề ra khỏi khu dân cư và phấn đấu đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội khắc phục triệt để được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, bà Đào Thị Anh Điệp cho biết, trước mắt trong năm 2023, thành phố hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, bảo đảm 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý; đưa vào vận hành 100% công suất (4.000m3/ngày - đêm) nhà máy điện rác Thiên Ý (huyện Sóc Sơn); đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy đốt rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) góp phần giảm áp lực xử lý rác bằng hình thức chôn lấp...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đầu tư xây dựng nhiều dự án xử lý chất thải, nước thải trong năm 2023 và những năm tiếp theo, chất lượng môi trường ở Thủ đô chắc chắn sẽ được cải thiện theo hướng bền vững.