Đã có những thiệt hại ban đầu do cơn bão số 9 gây ra

Chính trị - Ngày đăng : 12:16, 05/12/2006

Đồng Tháp đã có mưa kèm theo gió mạnh đều khắp trong tỉnh:

(HNMĐT) - Theo Thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 7h30 sáng nay (5/12), bão số 9 đã làm 11 người chết, 3 người bị thương.

Cụ thể, lúc22 giờ hôm qua tại khu vực đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu) bão đã tràn vào gây gió cấp 11, giật cấp 12 làm2 người chết. 2 người này ở huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) và làm 3 người bị thương.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bình Thuận cho biết, sóng do bão gây nên  đánh vỡ 70 chiếc tàu, làm chìm 820 chiếc tàu nhỏ; làm sập và tốc mái 1.120ngôi nhà. Hệ thống điện trên đảo Phú Quý bị hư hỏng nặng làm mất điện toàn bộ đảo, đồng thời hệ thống thông tin liên lạc cũng bị hư hỏng nặng.

Ảnh chụp qua vệ tinh lúc 12h ngày 5/12.

(Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương)

Bão quét qua TP Hồ Chí Minh cũng làm một thuyền gắn máy D24 (không có biển số) ở huyện Cần Giờ bị chìm. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mưa bão đã làm tới9 người chết, làm tốc mái 500 căn nhà.

Tránh lập lại thảm họa của cơn bão Linda năm 1997

Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV TW Bùi Minh Tăng cho biết,  bão số 9 đã có những biến đổi liên tục trong chiều và tối qua. Bão đã không đi vào khu vực tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, Ninh Thuận như dự báo trước đó mà trượt dọc theo ven biển đến tận sáng nay rồi mới tiến vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Lúc 8h30 sáng nay (5/12), Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW có công điện khẩn số 15 gửi Chủ tịch UBND và Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố: Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang; các Bộ, ngành: Thủy sản, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công An, Công nghiệp, Y Tế, Thương Mại, Bưu chính viễn thông, Tổng cục Du lịch và TCty Dầu khí Việt Nam thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Theo Công điện, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nêu trên tuyệt đối không được chủ quan lơ trong phòng, chống bão; tiếp tục và kiên quyết di dời sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm, những ngôi nhà không đủ kiên cố đến nơi an toàn; tổ chức neo đậu tàu thuyền đặc biệt là khu vực biển phía Tây, tránh lập lại thảm họa của cơn bão Linda năm 1997.

Ngay trong sáng nay, phải kiên quyết không để dân ở lại trên tàu thuyền khi đã vào nơi neo đậu và ở lại trên các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế đưa dân đến nơi an toàn.

Tổ chức chằng chống nhà cửa, sử dụng các bao cát để bảo vệ các mái nhà có tấm lợp; tổ chức các lực lượng trên địa bàn bảo đảm an ninh trật tự đặc biệt vào ban đêm và những vùng dân cư đã đi sơ tán; duy trì các lực lượng để sẵn sàng cứu hộ và ứng cứu kịp thời trong các tình huống; hoãn mọi cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão; cho học sinh nghỉ học ở những nơi trường lớp không bảo đảm an toàn.

Bão tiếp tục đi sâu vào đất liền qua các tỉnh miền Tây Nam Bộ sang vùng biển Cà Mau-Kiên Giang

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng nay (5/12), vùng tâm bão số 9 đã đi sâu vào đất liền thuộc các tỉnh miền tây Nam Bộ gây ra gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11.

Bóng đen là nơi dự báo cơn bão sẽ đi qua.


Lúc 10 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,9 độ vĩ bắc, 106,1 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật trên cấp 10.


Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền qua các tỉnh miền tây Nam Bộ sang vùng biển Cà Mau-Kiên Giang.

Đến 10 giờ ngày 6/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,1 độ vĩ bắc; 101,8 độ kinh đông, trên khu vực vịnh Thái Lan.


Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, vượt qua biên giới Thái Lan-Malaysia sang Ấn Độ Dương.


Như vậy, hôm nay bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền tây Nam Bộ gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Từ chiều nay, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, biển động rất mạnh.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy, lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 2-3 mét và sóng biển cao từ 5-7 mét.

Đồng Tháp đã có mưa kèm theo gió mạnh đều khắp trong tỉnh:

Đến 8 giờ sáng nay 5/12, thời tiết tại các địa phương trong tỉnh xấu , có mưa vừa , mưa to, kèm theo gió mạnh do ảnh hưởng của cơn báo số 9.

Tại thị xã Cao Lãnh có gió mạnh, mưa vừa và mưa to khắp nơi. Các lực lượng Công an, Quân đội , Bưu điện và nhiều cơ quan đóng trên địa bàn thị xã đã sẵn sàng phòng chống bão số 9. Lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức chằng néo những trụ sở có mái nhà lợp tôn, lợp ngói, bảo vệ kho tàng vũ khí quân dụng.

Đối với lực lượng Công an đường thủy đã ra quân trên sông Tiền , sông Hậu kêu gọi nhân dân có thuyền bè áp sát vào bờ tránh bão và giúp dân neo buộc lồng bè nuôi cá trên sông.

Các nơi trong tỉnh đã sẵn sàng kiểm tra , gia cố bờ bao và chủ động bơm tiêu úng cho lúa Đông Xuân mới xuống giống, bảo vệ an toàn các bè nuôi trồng thủy sản trên sông rạch. Nhiều nơi đã bố trí đội cứu hộ thường trực tại những nơi xung yếu.

Hậu Giang, An Giang: Khẩn trương phòng chống bão

Hậu Giang: Theo dự báo vào lúc từ 13 giờ chiều nay, bão số 9 sẽ đi qua các huyện Châu Thành ,Châu Thành A , Thị xã Ngã Bảy , huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ; nên từ sáng 5/12 , Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hậu Giang phân công từng đồng chí chỉ huy trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo di dời khẩn cấp những hộ sống tạm bợ trên đồng.Cũng từ sáng ngày nay, tỉnh Hậu Giang đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học trong 2 ngày 5 và 6/12

An Giang: đến nay, các địa phương trong tỉnh đã di dời 192 hộ vùng xung yếu về nơi an tòan, gia cố 827 căn nhà dân thuộc vùng thường bị lốc xóay, gió giật mạnh; di dời neo buộc chắc chắn 197 bè - ao cá.

Các huyện Tri Tôn, Châu Thành và Tân Châu đã tổ chức di dời hộ dân khu vực thường bị sạt lở ven sông, vùng thường bị trượt đất do lũ quét, các hộ dân sống trên ghe tàu, các nhà dân không đảm bảo an tòan... đến các chùa, trường học, trụ sở trung tâm văn hóa, UBND xã... để cho dân tạm lánh nạn; đồng thời tổ chức gia cố hàng trăm nhà dân chưa chắc chắn và hàng trăm ghe xuồng, cùng các đăng quầng , ao nuôi cá-TTXVN.

Sở Thủy sản các tỉnh kiểm tra số lượng và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu

Lúc 10h sáng nay, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Thủy sản có Công điện khẩn số 54 gửi Giám đốc Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố: Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang yêu cầu Giám đốc Sở Thủy sản các tỉnh, thành trên triển khai thực hiện cấp tốc các nội dung sau:

Cùng cán bộ của các Chi cục Bảo vệ NLTS, Chi cục Thủy sản xuống ngay địa bàn các nơi tàu cá đang neo đậu tránh trú bão (các cảng cả, các bến đâu khác, kể cả ở các đảo, trong sông) để kiểm tra số lượng tàu thuyền, hướng dẫn tàu các neo đậu an toàn, kiểm tra chằng buộc tàu (giây neo, neo, giây buộc tàu) và chằng buộc các cửa, nắp hầm tàu và kiểm tra an toàn cháy, nổ (các bình ga nấu ăn).

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo 2 giờ/lần về BCH Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Thủy sản.

Giám đốc Sở Thủy sản nào không thực hiện sẽ bị BCH Phòng chống lụt bào và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ thông báo đến Chủ tịch UBND tỉnh biết để cảnh cáo.

* Theo VTV, tính đến trưa nay, bão số 9 đã cướp đi sinh mạng của 25 người, hàng trăm người khác bị thương; trong đó tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 18 người đã thiệt mạng, 11 người bị mất tích, hơn 300 người bị thương do bão. Hiện hệ thống phát sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã bị tê liệt hoàn toàn do đài phát sóng viba trên Núi Nhỏ đã bị gẫy cột và bay chảo tiếp sóng. 

Ngô Hương

NGOHUONG