Kairouan - "thành phố Thánh" giữa những đụn cát
Du lịch - Ngày đăng : 05:29, 28/08/2022
Di sản của nhân loại
Kairouan được thành lập năm 670 như một “tiền đồn” của đạo Hồi. Từ đây, các nhà truyền giáo tỏa ra khắp Maghreb, đem tinh thần Hồi giáo đến với các dân tộc du mục vùng sa mạc. Kairouan sau này trở thành một trung tâm học thuật Hồi giáo vô cùng quan trọng. Có thể khẳng định, nền văn minh tây Bắc Phi chịu ảnh hưởng rõ ràng từ giới tinh hoa Kairouan. Năm 1988, UNESCO đã công nhận Kairouan là Di sản văn hóa thế giới.
Vì xe lửa ở Tunisia không chạy qua Kairouan nên du khách thường đáp xe đò từ Sousse, Tunis hay Sfax đến thành phố cổ này. Một hành trình như vậy thường kéo dài khoảng hai giờ và dừng lại tại bến xe khách phía tây bắc thành phố. Từ đây, khách có thể đi qua cổng Tunis để vào thành phố. Tuyến phố chính ở Kairouan chạy từ cổng Tunis đến cổng Thánh tử vì đạo ở phía nam. Con phố cũng là nơi tập trung các cửa hàng, quán ăn và khách sạn phục vụ khách du lịch.
Sự lãng mạn của Kairouan chỉ lộ ra khi khách du lịch đi vào những con ngõ ngoằn ngoèo. Những ngôi nhà tường đất chen chúc nhau hai bên ngõ rồi mở ra một mảnh đất trống nhỏ. Mỗi chiều, khi quá nửa các bức tường trắng đã bị che bóng bởi những ngôi nhà, người dân địa phương lại đổ ra khoảng đất trống này để gặp gỡ và tán chuyện. Trẻ con thì vui đùa, chạy quanh người lớn. Kairouan từng là trung tâm của thế giới Hồi giáo, nhưng linh hồn của nó vẫn là thị trấn nhỏ này.
Ở Kairouan, các cộng đồng Bedouin, Berber và Ả Rập sống cùng nhau. Muốn biết gia chủ là người dân tộc nào, chỉ cần nhìn vào cửa nhà họ. Mỗi cộng đồng có cách trang trí cửa nhà bằng sơn, nắm đấm cửa hay họa tiết khác nhau. Những ngôi nhà có nhiều gia đình cùng chung sống sẽ treo nhiều vòng gõ cửa trên cổng nhà.
Chỉ riêng các đền thờ Hồi giáo mới được sơn cổng màu xanh. Kairouan là nơi những ngôi nhà nhỏ chen chúc dưới bóng của các Thánh đường bề thế. Không Thánh đường nào bề thế hơn Nhà thờ lớn - công trình quan trọng nhất đối với các tín đồ theo đạo Hồi. Người Hồi giáo tin rằng, bảy chuyến hành hương đến Nhà thờ lớn Kairouan bằng một chuyến hành hương đến Thánh địa Mecca. Người ngoại đạo không được vào bên trong khu cầu nguyện, nhưng ban quản lý nhà thờ lại mở các cửa ra vào, cửa sổ để du khách có thể quan sát bên trong.
Mỗi mảnh đất Hồi giáo ở Bắc Phi đều để lại dấu ấn của riêng mình tại Nhà thờ lớn Kairouan, từ những cột đá cẩm thạch của Tunisia đến mái vòm trần gỗ tuyết của Lebanon. Công trình được xây dựng và mở rộng nhiều lần nên du khách có thể nhận ra phong cách kiến trúc khác nhau trong nhà thờ. Du khách còn có cơ hội leo lên tầng thượng tháp giáo đường và ngắm nhìn toàn cảnh Kairouan.
Ngoài Nhà thờ lớn, Kairouan còn có không ít giáo đường, khu lăng mộ, trường dạy đạo Hồi... Nếu cái nắng sa mạc khiến du khách cảm thấy mệt mỏi, hãy tìm đến hồ nước nhân tạo Aghlabid ở rìa thành phố. Aghlabid là một kỳ quan thời kỳ tiền trung cổ. Những kỹ sư sống vào thế kỷ thứ IX đã đào một con hào dài 36km để dẫn nước từ những ngọn đồi xa đến trữ tại Kairouan. Nói không ngoa, thành phố tồn tại được lâu như vậy phần lớn là nhờ hồ nhân tạo. Người dân cũng hay ra hồ lúc xế chiều để hóng gió hay trải bạt, ăn tối ngoài trời.
Phong vị chốn sa mạc
Đối với du khách nước ngoài, những tấm thảm Kairouan có thể không nổi tiếng bằng thảm dệt tại Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng những người sành sỏi đều phải công nhận thảm Kairouan là món quà hiếm có. Thảm được xếp hạng bằng số lượng nút thắt trên một mét vuông, càng nhiều nút thắt thì họa tiết trang trí càng rõ nét. Một tấm thảm len Kairouan hạng thường có khoảng 10.000 - 40.000 nút thắt, hạng trung khoảng 65.000 - 90.000 nút, hạng tốt có khoảng 160.000 - 500.000 nút. Riêng những tấm thảm lụa đắt giá nhất thường có hơn 500.000 nút thắt.
Trên tuyến phố chính ở Kairouan có không ít hàng bán thảm, nhưng du khách nên ghé qua cửa hàng Tapis-Sabra vốn là biệt thự của thống đốc vùng Maghreb. Ngày nay, nó vừa là xưởng dệt, vừa là nơi trưng bày sản phẩm. Du khách chỉ cần yêu cầu là sẽ được ông chủ cửa hàng dẫn đi thăm toàn bộ biệt thự và xem những người phụ nữ quay lồng dệt.
Ngoài thảm, món quà lưu niệm quý giá nhất mà du khách có thể đem về từ Kairouan là những hộp bánh quy makroudh. Bánh makroudh được làm từ bột mỳ, bột hạnh nhân, quả chà là, hạt mè và mật ong. Bánh makroudh có mặt ở hầu khắp Tunisia nhưng sản phẩm của Kairouan vẫn nổi tiếng nhất nhờ loại hạnh nhân và chà là tuyệt hảo do chính nông dân trong vùng trồng. Du khách có thể nhâm nhi bánh với tách trà bạc hà, ngồi trong quán ngắm những mái vòm nhà thờ và cảm nhận vì sao thành phố sa mạc này lại quyến rũ khách phương xa đến vậy...