Phát huy giá trị tài sản trí tuệ, thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô

Du lịch - Ngày đăng : 11:39, 14/10/2022

(HNMO) - Sáng 14-10, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Quản lý, khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nêu rõ, mục đích của hội thảo là bàn luận các giải pháp và nhận dạng tài sản trí tuệ trong lĩnh vực du lịch nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ và thị trường du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

Hội thảo cũng nhằm thực hiện nội dung “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030”, trong đó, chỉ tiêu đến năm 2025 tối thiểu 40% và 2030 là 60% sản phẩm, dịch vụ (du lịch, tài chính...) chủ lực, đặc thù của thành phố được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là xu thế chung hiện nay trên thế giới nhằm tạo ra những nét đặc trưng khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ du lịch của từng địa phương. Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa phong phú.

Để du lịch Hà Nội phát triển và trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu của Việt Nam, ngoài việc phải tìm ra điểm khác biệt để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội thì việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch cũng là một công cụ đắc lực trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của khách du lịch; giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch đó trong lòng khách hàng.

Theo ông Trần Trung Hiếu, ngành Du lịch Thủ đô đang nỗ lực từng bước xây dựng nên những sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của Hà Nội để thu hút khách du lịch, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho Thủ đô.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đánh giá, tiềm năng du lịch của Ba Vì rất lớn nhưng phát triển du lịch Ba Vì (điểm đến và sản phẩm) còn theo hướng tự phát, nguồn nhân lực hạn chế, loại hình chưa phong phú, ít sản phẩm đặc trưng mang bản sắc riêng...

Theo ông Nguyễn Đức Anh, để khai thác lợi thế của du lịch Ba Vì, cần đánh giá lại hiện trạng và tiềm năng, xác định những sản phẩm/dịch vụ du lịch phù hợp, chuẩn hóa lại tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm/dịch vụ, xây dựng tài sản trí tuệ du lịch... để quảng bá đến các doanh nghiệp và khách du lịch dựa trên 3 trục chính là đa dạng, đặc sắc và đa giá trị. Đồng thời, cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm/dịch vụ hiện có; áp dụng công nghệ số trong quảng bá và quản lý hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển và quản lý phù hợp tài nguyên du lịch của huyện Ba Vì.  

Để phát huy hiệu quả giá trị của tài sản trí tuệ trong phát triển ngành Du lịch Thủ đô, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, cần phải lựa chọn ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ có tính liên kết với cộng đồng địa phương và khả năng tham gia vào chuỗi du lịch; nên xây dựng thương hiệu điểm đến “Du lịch Thủ đô/Du lịch Hà Nội” có bộ nhận diện qua tên gọi, logo, hình ảnh đặc trưng.

Ông Nguyễn Văn Bảy cũng cho rằng, cần xây dựng, quản lý và khai thác tốt các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Coi trọng uy tín chất lượng của sản phẩm, dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Và cũng cần có chính sách quản lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà còn sớm bảo hộ ở nước ngoài.

Thu Hằng