Du lịch trên sông - lợi thế còn bỏ ngỏ

Du lịch - Ngày đăng : 06:15, 28/10/2022

(HNM) - Với hệ thống sông ngòi dày đặc từ Bắc đến Nam, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch đường thủy trên sông. Thực tế, có không ít địa phương đã biến du lịch trên sông trở thành “đặc sản”, tạo dấu ấn cho du khách, nhưng không ít địa phương vẫn loay hoay trong việc khai thác lợi thế của hình thức du lịch này.

Du khách tham gia tour du lịch sông Hồng do Công ty cổ phần Thăng Long GTC tổ chức. Ảnh: Lê Nam

Nhiều lợi thế

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước. Theo thống kê hiện nay, nước ta có hơn 2.300 con sông dài hơn 10km, trong đó có những con sông lớn chảy liên tỉnh, như: Sông Hồng, sông Mê Kông, sông Đà… Đây chính là điều kiện tự nhiên rất lý tưởng để Việt Nam có thể hình thành và phát triển các dòng sản phẩm du lịch trên sông.

Nhận thấy tiềm năng to lớn này, một số tỉnh, thành phố đã khai thác, phát triển du lịch trên sông với nhiều sản phẩm khác nhau. Nổi bật nhất là sản phẩm trải nghiệm đi thuyền trên sông Hương đã khai thác gần 30 năm nay và trở thành “đặc sản” hấp dẫn du khách mỗi khi đến Thừa Thiên Huế. Đà Nẵng với lợi thế sông Hàn chảy quanh thành phố, nên đã đưa vào vận hành tour du lịch trên sông, giúp du khách trải nghiệm ngắm thành phố và cầu Rồng. Gần đây, thành phố Hồ Chí Minh cũng khai thác tour ngắm hoàng hôn bằng du thuyền trên sông Sài Gòn. Tại Hà Nội, Công ty cổ phần Thăng Long GTC cũng duy trì các tour khám phá dọc sông Hồng từ Hà Nội đến Hưng Yên, làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)... từ nhiều năm nay.

Không chỉ những trung tâm du lịch lớn khai thác du lịch trên sông, gần đây, nhiều địa phương mới phát triển du lịch cũng bắt đầu quan tâm đến du lịch đường thủy để làm mới sản phẩm sau dịch Covid-19. Trong năm 2021 và 2022, có rất nhiều địa phương tổ chức tour trải nghiệm, khảo sát du lịch trên sông, như: Tỉnh Thanh Hóa khởi động tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; tỉnh Long An tổ chức khảo sát du lịch ven sông Vàm Cỏ Đông; tỉnh Sơn La đẩy mạnh khai thác khu du lịch Quỳnh Nhai với sản phẩm nổi bật là du ngoạn thuyền trên lòng hồ Sơn La…

Đánh giá về tiềm năng du lịch trên sông, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, đây là một trong những tiềm năng lớn của du lịch Việt Nam. Nếu khai thác tốt, thì du lịch đường thủy sẽ mang đến trải nghiệm mới cũng như hấp dẫn được đối tượng khách quốc tế vì yếu tố độc, lạ và mang bản sắc văn hóa địa phương.

Đi thuyền rồng thưởng thức ca Huế trên dòng sông Hương (tỉnh Thừa Thiên - Huế) thu hút khách du lịch trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Oanh

Quan tâm đầu tư để phát huy tiềm năng

Mặc dù có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch trên sông, nhưng đến nay, sản phẩm này còn khá mờ nhạt, chưa thật sự thu hút, hấp dẫn du khách.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, cái khó của du lịch trên sông là cơ sở vật chất, hạ tầng như tàu, chất lượng dịch vụ phải thường xuyên được nâng cấp để bảo đảm an toàn cũng như thu hút du khách. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái, để du lịch trên sông thật sự tạo điểm nhấn, cần phải xây dựng được chuỗi điểm đến ven sông. Điều này đòi hỏi các địa phương phải có quy hoạch tổng thể, rõ ràng những điểm du lịch được phép cập bến cho khách trải nghiệm.

Thực tế hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch trên sông đã bộc lộ bất cập, tính hiệu quả chưa cao. Điển hình như tour du lịch trên sông Hương, nhiều năm nay tồn tại vấn đề thuyền rồng xuống cấp, không đủ chất lượng đón khách. Hay như tour du lịch trên sông Hàn tại Đà Nẵng cũng bị du khách phản ánh là nghèo nàn, cần được nâng cấp và đổi mới hình thức phục vụ. Một số sản phẩm khác như du thuyền trên lòng hồ Sơn La (Sơn La), du thuyền trên sông Mã (Thanh Hóa)… vẫn chủ yếu là cho du khách ngắm cảnh, ít hoạt động trải nghiệm trên thuyền và ở ven sông.

Còn ở Hà Nội, việc khai thác du lịch trên sông Hồng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giám đốc Công ty cổ phần Thăng Long GTC Tạ Minh Hùng cho biết, mặc dù đã đưa vào khai thác 4 sản phẩm du lịch trên sông Hồng từ 20 năm nay, nhưng chưa thể tạo thành sản phẩm thực sự đặc sắc, mang dấu ấn đặc trưng của du lịch Hà Nội. Nguyên nhân là do hạ tầng hai bên sông Hồng chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách về cảnh quan, vệ sinh. Hiện tại, Hà Nội chưa có cầu tàu phục vụ riêng cho khách du lịch, khách tham quan phải lên tàu từ cầu cảng tạm tại bến Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm).

Để khai thác du lịch theo hướng này hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, các địa phương cần có sự đánh giá và đầu tư có trọng điểm, tránh sự bắt chước lẫn nhau. Trong khi đó, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nhấn mạnh, khi đưa vào khai thác, các địa phương cần nâng cấp chất lượng dịch vụ, bảo đảm bến bãi an toàn, chỉnh trang cảnh quan ven sông, quy hoạch bến đỗ, thường xuyên nâng cấp tàu để bảo đảm an toàn và tiện nghi cho du khách, đưa thêm nhiều hoạt động trải nghiệm dọc ven sông…

Thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án quy hoạch sông Hồng, đây là cơ sở để tuyến du lịch sông Hồng sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Hoàng Lân