Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho “mảnh đất trăm nghề”
Du lịch - Ngày đăng : 11:35, 31/10/2022
Tiềm năng “mảnh đất trăm nghề”
Với lợi thế là một trong những huyện đứng đầu Thủ đô về số lượng di tích với 462 di tích, công trình tín ngưỡng (trong đó có 61 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 65 di tích xếp hạng cấp thành phố); 129 di sản phi vật thể, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), Lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất), Lễ hội chùa Mui (xã Tô Hiệu); 126 làng nghề…, huyện Thường Tín được đánh giá có nhiều điều kiện để phát triển du lịch văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, huyện đã chỉ đạo khai thác thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp gắn liền với làng nghề truyền thống. Trong đó, Thường Tín tập trung xây dựng, hình thành và khai thác một số điểm, tuyến du lịch đặc sắc nhằm quảng bá hình ảnh vùng “đất danh hương”, “đất trăm nghề” đến du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay, huyện có 2 điểm du lịch được UBND thành phố công nhận điểm du lịch của thành phố Hà Nội là Điểm du lịch sinh vật cảnh Hồng Vân (2018), Điểm du lịch Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (2020).
Sau khi được công nhận, 2 điểm du lịch đã được đầu tư, khai thác nhiều hoạt động du lịch. Trong đó, xã Hồng Vân đã xây dựng nhiều mô hình để thu hút du khách như mô hình trải nghiệm, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, mô hình nông trại giáo dục…
Liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp nông thôn trong phát triển du lịch, Tiến sĩ Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Nông thôn mới của thành phố cho biết, với hơn 150 sản phẩm OCOP, trong đó có 140 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao, Thường Tín có nhiều lợi thế đẩy mạnh du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, trở thành một trong những điểm du lịch nông thôn chất lượng của thành phố.
Phát huy vai trò cộng đồng
Mặc dù được đánh giá có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch đặc biệt là du lịch nông nghiệp, tuy nhiên, Thường Tín cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập để thu hút khách. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thừa nhận, việc khai thác tài nguyên du lịch về nông nghiệp, nông thôn chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Nguồn nhân lực tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa được đào tạo bài bản; hạ tầng cho du lịch, nhất là tại các làng nghề chưa được đầu tư nhiều do kinh phí hạn hẹp; chính sách hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế…
Tại buổi tập huấn, đóng góp cho giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho huyện Thường Tín, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở Du lịch Hà Nội) Kiều Việt gợi ý, huyện Thường Tín cần xây dựng đề án phát triển kinh tế sinh vật cảnh gắn kết với các sản phẩm làng nghề; hạn chế bê tông hóa, ưu tiên sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường và cải tạo để tăng diện tích xanh hơn trong những mô hình đã đầu tư.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ngọ Văn Ngôn cho rằng, huyện cần có sự liên kết các điểm du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện; thành lập phòng kinh doanh quảng bá sản phẩm bằng nhiều thứ tiếng để du khách dễ dàng tham quan và mua sắm.
Còn theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Đình Hòa, Phó Chủ nhiệm khoa Du lịch, trường Đại học Phenikaa, địa phương cần chú trọng vai trò của cộng đồng, đó là sự tham gia trực tiếp của người dân. Người dân cần phải có kiến thức và kỹ năng đón và phục vụ khách, trong đó kỹ năng ứng xử văn minh, thân thiện cần được phát huy; tổ chức không gian trải nghiệm cho du khách…
Chia sẻ thêm về kế hoạch, định hướng phát triển du lịch nông thôn của Thường Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, trong năm 2022, huyện đã tổ chức lớp tập huấn và thi hướng dẫn viên du lịch tại điểm cho 76 học viên. Huyện đang đề nghị UBND thành phố công nhận điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình; điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, xã Vạn Điểm trở thành điểm du lịch làng nghề của thành phố. Xã Hồng Vân đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố công nhận sản phẩm du lịch OCOP đầu tiên của thành phố Hà Nội.
“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương như: Hiền Giang với nghề điêu khắc đá, gỗ; Tiền Phong với nghề sản xuất chăn ga gối đệm; nghề thêu truyền thống tại Quất Động, Thắng Lợi, Dũng Tiến… tiếp tục rà soát các tiêu chí của điểm du lịch làng nghề, hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND thành phố công nhận điểm du lịch làng nghề”, ông Bùi Công Thản thông tin.