Đình Trà Cổ
Du lịch - Ngày đăng : 06:35, 12/11/2022
Theo sử sách, đình Trà Cổ được xây dựng năm Quang Thuận thứ 2 (Tân Tỵ, 1461) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trải qua thời gian và nhiều cơn binh lửa, qua nhiều lần hư hại rồi được trùng tu, đình vẫn tồn tại và giữ được cơ bản những nét đặc trưng về kiến trúc và điêu khắc như lúc khởi dựng.
Công trình có bố cục hình chữ “đinh”, tọa lạc trên một khuôn viên có diện tích 1.000m2, quay hướng nam. Tiền đường gồm 5 gian, 2 chái, hậu cung có 3 gian. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi hài giống như những ngôi đình của các làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Toàn bộ hệ khung kết cấu được làm bằng gỗ, có 48 cột gỗ lim kê trên chân tảng đá xanh. Các cột được liên kết bởi hệ vì kèo theo kiến trúc truyền thống, được chạm trổ công phu.
Đề tài trang trí ở đây rất phong phú và đa dạng như long, ly, quy, phượng, lưỡng long chầu nguyệt, cá chép hóa rồng, long mã, hổ phù, hoa văn dạng hoa lá, mây vờn... thể hiện sự tài hoa của những người thợ và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hai đầu hồi đình có hai bức hoành phi sơn son thếp vàng đối diện nhau, mỗi bên có 4 chữ Hán: “Nam Sơn Tịnh Thọ” (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài). Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Hiện nay, tại đình Trà Cổ còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy...
Hằng năm, từ ngày 30 tháng Năm đến mồng 3 tháng Sáu âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động thú vị. Đây là lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và cả nước nói chung.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc được lưu giữ, đình Trà Cổ được xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 1974.