Tổ chức các không gian du lịch an toàn, hấp dẫn: Để không lãng phí tiềm năng
Du lịch - Ngày đăng : 07:12, 16/11/2022
Một chủ trương đúng đắn
Mới đây, thành phố đã “đóng cửa” phố “cà phê đường tàu”. Đây được coi là quyết định phù hợp, như chia sẻ của ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm: “Quan điểm của UBND quận Hoàn Kiếm là không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào. Nhu cầu mưu sinh của người dân là nhu cầu tất yếu. Công tác thu hút khách du lịch cũng là nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô nói chung. Tuy nhiên, chúng ta phải lấy luật pháp làm tôn chỉ. Những hành vi đi lại, thậm chí nằm trên đường ray không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn đường sắt mà còn là hình ảnh xấu, ảnh hưởng tới quá trình tuyên truyền pháp luật”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, việc xóa bỏ phố “cà phê đường tàu” về nguyên tắc là điều cần thiết và không nên nuối tiếc nhằm đảm bảo an toàn đường sắt. “Chúng ta đã có Luật Đường sắt và nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, trong đó quy định chỉ giới đảm bảo an toàn công trình đường sắt là 8,6m tính từ mép đường ray ngoài cùng. Tuy nhiên, khu vực “cà phê đường tàu” do tính lịch sử nên hai bên nhà dân chỉ cách mép ray ngoài cùng từ 1,8m đến 2,3m, do đó khi tàu chạy qua, khoảng không còn lại rất ít. Chính vì thế, việc tổ chức các hoạt động kinh doanh cà phê, chụp ảnh ở khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông, an toàn chạy tàu, nguy cơ tai nạn rất cao” - ông Vĩ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vĩ, trong mọi biểu hiện của văn hóa thì thượng tôn pháp luật phải là số một. Du khách nước ngoài đến “check-in” ở “cà phê đường tàu” đưa lên mạng thì hình ảnh người Việt Nam bất tuân thủ pháp luật sẽ thế nào trong mắt bạn bè thế giới? “Nói “cà phê đường sắt” là nét văn hóa của Hà Nội là một quan điểm sai lầm. Đây là một hoạt động tự phát, vi phạm hành lang an toàn đường sắt nên phải dẹp bỏ” - ông Vĩ nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải) cho rằng, việc tồn tại một “phố cà phê đường tàu” ở giữa Thủ đô là điều khó có thể chấp nhận. Ông Thủy lý giải, việc du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến với “cà phê đường tàu” phần nhiều là do tò mò về sự lạc hậu của tuyến đường sắt và về ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận dân chúng mà thôi.
Khai thác, tổ chức hiệu quả các không gian, di tích lịch sử - văn hóa
Sau sự việc “xóa sổ cà phê đường tàu”, đã có hiện tượng khách du lịch đổ dồn sang chụp ảnh tại cầu Long Biên. Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp xưa cũ, cầu Long Biên cũng tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm không kém so với “cà phê đường tàu”. Điều này cho thấy, tâm lý hoài cổ, nhu cầu chụp ảnh, khám phá không gian cổ xưa là có thật, thậm chí rất lớn. Thế nhưng, Hà Nội với vị thế là Thủ đô di sản chưa khai thác hết lợi thế này.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) thì Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn với gần 6.000 di tích được kiểm kê, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích cấp Quốc gia, 1.456 di tích cấp Thành phố.
“Chính sự đa dạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị này đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn để phát triển nhiều loại sản phẩm thu hút khách du lịch, như du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch tổng hợp sinh thái, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có này bởi những rào cản đến từ công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo” - Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, để các di tích lịch sử, di sản văn hóa trở thành thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa, Hà Nội cần triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di sản văn hóa; tăng cường đầu tư nguồn vốn và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo; gắn kết hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đô thị với hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
“Chúng ta phải quảng bá mạnh mẽ hơn nữa các di tích của thành phố nhưng phải bảo đảm chất lượng. Việc gìn giữ, phát huy giá trị di tích không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn là của tất cả công dân đang sinh sống, học tập tại Thủ đô” - ông Thủy nhấn mạnh.
Ở một góc độ khác, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương cho rằng, Hà Nội cần sáng tạo để tận dụng lợi thế thu hút khách du lịch, và quan trọng nhất là lắng nghe nhu cầu của khách du lịch. “Khách hàng là thượng tế, tất nhiên nhu cầu của khách hàng phải trong khuôn khổ cho phép, phù hợp với văn hóa, với thuần phong mỹ tục của người Việt. Theo tôi, nhìn ở một góc độ khác thì “cà phê đường tàu” là một “hiện tượng”, vậy chúng ta hãy biến các di tích thành những “hiện tượng” như vậy để thỏa trí tò mò của du khách. Đơn cử như việc Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội vừa qua đã có nhiều hoạt động sáng tạo với khát vọng biến nơi đây thành không gian sáng tạo của Thủ đô, như việc mở các triển lãm “có một không hai”: “Bia đá kể chuyện”, “Đối thoại Thư pháp và Graffiti”... Rõ ràng đây đều là các triển lãm độc, lạ, gây được sự tò mò, thích thú với du khách” - kiến trúc sư Phương bộc bạch.