Tranh sơn mài -Di sản nghệ thuật độc đáo của Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 08:56, 19/11/2006

Thể chất lộng lẫy của sơn mài làm cho nghệ sĩ khát khao đi tìm một chất liệu mới, ngon mắt và xúc động mạnh hơn sơn dầu. Thể chất cánh gián, sơn then, vàng bạc ở sơn mài linh biến, sinh động, không còn là thể chất không hồn nữa...

“Thánh Gióng” - tranh sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm

Thể chất lộng lẫy của sơn mài làm cho nghệ sĩ khát khao đi tìm một chất liệu mới, ngon mắt và xúc động mạnh hơn sơn dầu. Thể chất cánh gián, sơn then, vàng bạc ở sơn mài linh biến, sinh động, không còn là thể chất không hồn nữa.

Màu sắc sơn mài đằm thắm, sắc nhị âm vang sâu rộng, rung tới tận đáy lòng người xem. Không một màu đỏ sơn dầu nào đứng cạnh màu son của sơn mài mà không bị tái nhợt. Chưa thấy một màu đen của sơn dầu nào đặt cạnh màu đen của sơn mài mà không bị bạc và trơ... Sơn mài được điêu luyện trong tay người Việt Nam sẽ như một kỷ niệm của những người đã chiến đấu cho Tự do - Hòa bình trao sang tay các nghệ sĩ trên thế giới, góp một phần vào sự xây dựng một nền nghệ thuật mới cho nhân loại...”.

Những nhận định trên của danh họa Tô Ngọc Vân trong Đại hội Văn hóa toàn quốc (19-7-1948) như một đánh giá chân thực về vị thế của chất liệu sơn mài trong hội họa Việt Nam và quốc tế. hơn 70 năm phát triển tranh sơn mài ở Việt Nam đã chứng minh đánh giá ấy làsự thực. Niềm tự hào đó thêm một lần nữa được khẳng định trong cuộc triển lãm sơn mài với quy mô lớn đang được tổ chức tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội nhân dịp Tuần lễ APEC. Triển lãm trưng bày những tác phẩm sơn mài kinh điển của thế hệ các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (CĐMTĐD) được mượn từ Bảo tàng Mỹ thuật đến những sáng tác gần đây của nhiều thế hệ họa sĩ (96 tác phẩm của 81 tác giả). Một bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam hiện lên trước mắt người xem đầy sống động.

Vào khoảng năm 1925 - 1927, trường CĐMTĐD (Hà Nội) đã mở ban sơn. Thời kỳ đầu, cả giáo sư và sinh viên đều bắt đầu học làm sơn từ những nghệ nhân sơn ta. Ước mơ của các nghệ sĩ thời đó là làm thế nào để chuyển nghề sơn thủ công mỹ nghệ thành một chất liệu hội họa - tranh sơn mài. Trải qua nhiều năm tháng mày mò và khám phá, thế hệ các họa sĩ trường CĐMTĐD đã có công giải phóng sơn ta thoát khỏi cái “tĩnh” nghìn năm trang trí để đến cái “động” phóng khoáng tự do (theo lời họa sĩ Quang Phòng), mở rộng các khả năng biểu hiện những xúc cảm tinh tế nhất mà người nghệ sĩ có thể rung động trước cuộc sống. Cũng chỉ sử dụng những vàng, bạc, đỏ son, then đen, cánh gián, vỏ trứng, vỏ trai cổ truyền, nhưng các nghệ sĩ đã mang đến cho chúng những sắc thái mới lạ, xua tan cảm giác cổ kính muôn thuở ở đồ sơn mỹ nghệ bằng sự cách tân trên tinh thần dân tộc. Lịch sử mỹ thuật sẽ còn nhắc mãiđến bức tranh Cây tre bóng nước của Trần Quang Trân, đến khám phá cách mài phẳng các vùng phủ son của họa sĩTrần Văn Cẩn cùng bác phó Thành, đến việc tìm ra màu xanh cho sơn mài của Nguyễn Sáng. Bậc thày Nguyễn Gia Trí đã đưa hội họa một cách đích thực vào sơn mài, tìm sắc độ, hình vẽ trên ước lệ màu sắc, kết hợp thành công giữa yếu tố trang trí và hội họa thành các tác phẩm đẹp, sử dụng điêu luyện sự hòa hợp vỏ trứng giát với các hình vẽ có sắc độ. Các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Sỹ Ngọc, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Đức Nùng, Trần Đình Ngọ, Nguyễn Văn Tỵ, Văn Bình đã có công trong việc đào tạo các lớp họa sĩ kế cận cho sơn mài Việt Nam tại trường Mỹ thuật VN, các họa sĩ Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Kim Đồng tại trường Mỹ thuật công nghiệp. Bộ ba danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Tiến Chung là những họa sĩ sơn mài điêu luyện với phong cách hiện đại vẫn rất dân tộc, có cách tân độc đáo, đóng góp nhiều cho nền sơn mài Việt Nam hiện đại.

Chất liệu truyền thống trong tay nghệ sĩ đã thành ngôn ngữ nghệ thuật linh động phô diễn được cảm xúc phong phú trước các đề tài ngày càng mở rộng. Dựa trên nền tảng mà thế hệ họa sĩ đi trước đã đặt nền móng, các thế hệ họa sĩ sau này đã tiếp tục tìm tòi những kỹ thuật mới, cũng như đề tài và cách thể hiện mới bên cạnh dòng tranh hiện thực. Tại triển lãm, người xem được thưởng thức tranh sơn mài của Hồ Hữu Thủ, Đoàn Văn Nguyên, Lê Trí Dũng, Đào Minh Tri, Lý Trực Sơn, Hoàng Đình Tài, Công Quốc Hà, Trịnh Tuân, Công Kim Hoa, Trương Bé, Trần Đốc,... và của rất nhiều họa sĩ trẻ như Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Văn Chuyên, Nguyễn Phúc Lợi, Nguyễn Đình Tuyên, Nguyễn Đình Quang, Phạm Hoàng Văn...

Kiến trúc sư Lisa Surprenant từ TP Whashington (Mỹ), một người rất mê sơn mài Việt Nam và đã học vẽ sơn mài từ 7 năm trước, sau khi xem triển lãm đã phát biểu: “Việt Nam có một di sản nghệ thuật vô cùng độc đáo, đó là sơn mài. Tôi đã từng thăm Nhật Bản, Trung Quốc, Inđônêxia là những đấtnước cũng có nghề sơn và cây sơn. Nhưng phải nói rằng cây sơn Phú Thọ đã ban tặng cho các nghệ sĩ Việt Nam một chất liệu có đặc tính hoàn toàn riêng biệt. Phú Thọ - một chấm nhỏ duy nhất trên bản đồ thế giới. Thế mạnh đó lại được tâm hồn các nghệ sĩ Việt Nam nâng lên thành một chất liệu hội họa độc đáo trên thế giới, mà Nhật Bản và Trung Quốc chưa làm được. Các bạn hoàn toàn có quyền tự hào nếu tôn vinh sơn mài là quốc họa của Việt Nam và đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới !”.

Nguyễn Thu Thủy

ANHTHU