Tài sản trí tuệ - nguồn lực phát triển du lịch Thủ đô: Sớm định vị điểm đến sáng tạo, hấp dẫn

Du lịch - Ngày đăng : 07:20, 20/11/2022

(HNMCT) - Tài nguyên du lịch là tài sản quý báu có thể tạo ra sự tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các sản phẩm, dịch vụ, thị trường du lịch và điểm đến cần được đầu tư một cách bài bản thông qua việc quản lý, khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ. Đây cũng là yếu tố tạo ra tính khác biệt giữa các địa phương, là công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

Vấn đề bản quyền từng là nguyên nhân khiến vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” phải tạm dừng biểu diễn trong một thời gian. Ảnh: Hưng Trần

Nhận diện tài sản trí tuệ trong phát triển du lịch

Tài sản trí tuệ là khái niệm chỉ những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một loại tài sản vô hình nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận. Tài sản trí tuệ bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật; sản phẩm khoa học, phát minh, sáng chế; kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý...

Với ngành Du lịch, tài sản trí tuệ được hiểu là thương hiệu điểm đến với tên gọi gắn với các thắng cảnh tự nhiên hoặc công trình kiến trúc đặc thù của địa phương; là các đặc sản gắn với nguồn nguyên liệu, bí quyết; là tri thức truyền thống và văn hóa dân gian... Tài sản trí tuệ địa phương là yếu tố tạo khác biệt, thu hút, kích thích tính tò mò, khám phá của du khách; nâng cao sức cạnh tranh cho địa phương; tạo động lực cho cộng đồng bản địa phát triển các giá trị truyền thống. Cuối cùng, tài sản trí tuệ là nguồn tài nguyên vô tận nếu biết bảo tồn và phát triển.

Các địa danh đã trở thành thương hiệu điểm đến du lịch ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phần lớn đều được hình thành trên cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên và bề dày văn hóa - lịch sử. Vì thế, rất cần tìm ra những điểm đặc trưng, lợi thế sáng tạo từ chính địa danh để sản phẩm không trùng lặp, gây nhàm chán cho khách du lịch. Đó chính là tài sản trí tuệ của cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điểm khác biệt của địa phương đó, đồng thời là cách thức bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch địa phương hợp lý.

Nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ

Hiện nay, một số địa phương ở Hà Nội như huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Oai, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây... đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện dự án Đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận du lịch địa phương cho các sản phẩm/ dịch vụ du lịch. Đây là một trong những nội dung của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, theo đó, chỉ tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 40% và đến năm 2030 là 60% sản phẩm, dịch vụ (du lịch, tài chính...) chủ lực, các sản phẩm OCOP của thành phố được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trong giai đoạn 2019 - 2020, Sở đã triển khai hỗ trợ 18 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 4 sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể được nâng cao năng lực và phát triển. Các sản phẩm được hỗ trợ ở giai đoạn này còn được trang bị đầy đủ hệ thống văn bản quản lý và các phương tiện, công cụ cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến công chúng. Nhờ đó, ngay sau khi được bảo hộ, các sản phẩm đã được quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, có mặt tại một số cửa hàng, siêu thị... giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, tạo được uy tín nhất định với nguồn gốc rõ ràng và bao bì đẹp, bắt mắt.

Tiếp nối thành công và thực hiện mục tiêu đến năm 2030, giai đoạn 2022 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã và sẽ tiếp nhận gần 60 đề xuất hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề mang địa danh của thành phố. Hiện có 23 sản phẩm được xác định triển khai thực hiện trong năm 2023 và 36 sản phẩm chuẩn bị được xây dựng nội dung đặt hàng để phê duyệt danh mục.

“Tết xứ Đoài” - một trong những tour mang đậm dấu ấn làng cổ Đường Lâm.

Lan tỏa rộng hơn

Tuy nhiên, do việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ còn khá mới mẻ nên cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, khó khăn. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng: Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chưa quan tâm đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, chưa thực sự hiểu đầy đủ về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch. Doanh nghiệp du lịch hay các đơn vị cung cấp dịch vụ mới chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi thấy rõ ảnh hưởng của việc này đến tình hình kinh doanh của đơn vị mình mà không có kế hoạch bảo vệ từ xa hoặc lường trước rủi ro. Cuối cùng, do chưa có cơ chế quản lý sở hữu trí tuệ về sản phẩm du lịch nên các chương trình rất dễ bị sao chép, giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu.

Đó là thực tế có thể bắt gặp ở nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch hay tên của các đơn vị lữ hành. Nhiều du khách và ngay cả người Hà Nội từng có lúc không thể phân biệt nổi đâu là quán "Ông Già" (phường Quảng An, quận Tây Hồ) thật, đâu là "nhái" khi có tới 4 quán treo biển "Ông Già chính hiệu", "Ông Già thật", "Ông Già cũ", "Ông Già Quảng Bá"... Hay trường hợp tranh chấp sáng tạo liên quan tới bản quyền vở sân khấu thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” với “Tinh hoa Bắc Bộ” từng khiến show diễn thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế này phải ngừng biểu diễn trong một thời gian. Nhiều công ty lữ hành uy tín không chỉ bị một số doanh nghiệp thành lập sau cố tình lấy tên na ná mà còn mất luôn tên miền internet, dẫn đến tranh chấp kéo dài. Phổ biến nhất là tình trạng sao chép trắng trợn sản phẩm du lịch giữa các công ty khiến người thiệt thòi không chỉ là doanh nghiệp sáng tạo đi đầu mà du khách cũng bị vạ lây khi các công ty đi sau sao chép sản phẩm rồi hạ giá thành và chất lượng để thu hút khách.

Đó là những thực tế suốt nhiều năm qua khi các doanh nghiệp, dịch vụ du lịch và các địa phương ở Hà Nội chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu, tài sản trí tuệ, khiến cho việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến và sản phẩm, dịch vụ du lịch khó chuyên nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự minh bạch và công bằng trên thị trường cũng như công tác quản lý. 

Để khắc phục thực trạng trên, Nhà sáng lập và CEO Lux Group Phạm Hà cho rằng: Văn hóa là nguồn lực nội sinh góp phần phát triển bền vững Thủ đô. Vì thế, Hà Nội cần phát triển các hình thức du lịch sáng tạo như: Du lịch trên sông, hồ (lấy hồ Tây và sông Hồng làm trung tâm, sáng tạo sản phẩm kết nối cố đô Hoa Lư theo con đường thủy dời đô của vua Lý); Du lịch âm nhạc, tham quan bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội cùng nhiều hình thức du lịch khác... “Hà Nội cần sớm định vị và định hình là một điểm đến du lịch sáng tạo hấp dẫn của cả nước, là trung tâm văn hóa sáng tạo; luôn có sản phẩm mới mỗi năm để du khách quay lại nhiều lần thay vì một đi không trở lại” - ông Hà chia sẻ.

Còn Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng đưa ra các giải pháp thiết thực như: Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch thông qua việc tổ chức các buổi tập huấn, thảo luận; xây dựng tài liệu hướng dẫn, ấn phẩm về sở hữu trí tuệ; tăng cường tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch. Cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ và Sở Du lịch Hà Nội cần phối hợp công bố thông tin sở hữu trí tuệ, hướng dẫn các đơn vị du lịch và các bên liên quan thực hiện; xây dựng ngân hàng số về dữ liệu sở hữu trí tuệ du lịch, chuyển đổi số các hoạt động về sở hữu trí tuệ trong du lịch...

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần định hướng đăng ký bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ mang địa danh gắn với du lịch Thủ đô, trong đó chú trọng tới những sản phẩm du lịch tự nhiên xanh và văn hóa truyền thống nhằm tạo cho sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng có sức cạnh tranh cao, từ đó tăng sức hút cho du lịch Thủ đô.

Bài và ảnh: Linh Tâm