Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu: Khai thác tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
Du lịch - Ngày đăng : 08:34, 20/11/2022
- Thưa ông, với nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, phong phú mà Hà Nội đang sở hữu, việc tạo ra hình ảnh khác biệt cho du lịch Thủ đô sẽ mang lại những lợi ích gì?
- Với bề dày nghìn năm văn hiến, truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có nhiều di sản văn hóa hấp dẫn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người giàu lòng mến khách, thanh lịch, tài hoa, có thể khẳng định, Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, ngày nay, các điểm đến du lịch trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam hay Hà Nội nói riêng không có sự khác biệt nhiều về hạ tầng dịch vụ du lịch. Do đó, các điểm đến du lịch khác nhau cần tạo ra sự độc đáo, khác biệt nhằm thu hút khách. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, sự độc đáo và khác biệt là điều cần thiết hơn bao giờ hết bởi nó là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của một điểm đến du lịch.
Vì vậy, để du lịch Hà Nội phát triển và trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu, hấp dẫn của cả nước và khu vực, cần tìm ra điểm khác biệt để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội. Việc tạo ra hình ảnh khác biệt sẽ giúp Hà Nội tạo dựng thương hiệu và cạnh tranh được với các thành phố trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch sẽ là công cụ đắc lực trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của khách du lịch với một điểm đến du lịch hoặc một sản phẩm du lịch.
- Ông vừa nhắc đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch - một khái niệm khá mới mẻ. Vậy, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển của ngành Du lịch?
- Hiện nay, khái niệm sở hữu trí tuệ trong chiến lược phát triển của ngành Du lịch Thủ đô còn nhiều mới lạ, nhưng đang dần trở thành yếu tố quan trọng góp phần đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực phát triển kinh tế - xã hội. Một sản phẩm du lịch hay một điểm đến du lịch muốn phát triển không chỉ cần thị trường biết đến, mà quan trọng hơn là cần giữ chân du khách bằng sự tín nhiệm - điều chỉ có thể được duy trì nhờ vào hệ thống tiêu chí chất lượng và kiểm soát chất lượng của mỗi loại tài sản trí tuệ.
Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng của sản phẩm đó trong lòng khách hàng. Ngoài ra, việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho đặc sản góp phần tạo dựng cũng như thúc đẩy động lực phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường, vì đặc sản vùng miền cũng góp một phần lớn trong việc thu hút khách du lịch. Việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giúp mở rộng quy mô sản phẩm, dịch vụ, sức cạnh tranh cao, góp phần quảng bá du lịch địa phương, quốc gia.
- Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan thế nào để thực hiện việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm du lịch?
- Việc này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Du lịch Thủ đô. Cần có sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng các đơn vị khác... nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các địa phương, làng nghề, điểm đến và sản phẩm du lịch của Thủ đô được bảo hộ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện phát triển, mở rộng thị trường cho nhiều nhãn hàng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội cùng Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang phối hợp hỗ trợ xác lập quyền tài sản trí tuệ cho dịch vụ, sản phẩm du lịch ở một số địa phương như: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Tích Giang” cho các dịch vụ du lịch xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ); Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Sơn Tây” cho các dịch vụ du lịch của thị xã Sơn Tây; Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Ba Vì” cho các sản phẩm/ dịch vụ du lịch của huyện Ba Vì...
Ngoài ra, một số sở, ngành, UBND quận, huyện của thành phố cũng có nhiều hoạt động triển khai đồng bộ các nội dung phục vụ xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương, qua đó tạo điều kiện cho nhiều nhãn hiệu của các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh các đặc sản trên địa bàn có điều kiện phát triển. Trong giai đoạn 2020 - 2022, đã có gần 30 sản phẩm làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xác lập quyền nhãn hiệu tập thể...
- Thông qua việc khai thác tài sản trí tuệ, ngành Du lịch Thủ đô đã và đang làm gì để xây dựng những sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của Hà Nội, thưa ông?
- Ngành Du lịch Thủ đô đang nỗ lực từng bước xây dựng những sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của Hà Nội, như:
Một là, Sở Du lịch đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3928/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 về Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Hai là, đối với việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với chỉ dẫn địa lý, hiện nay, thành phố Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh gắn kết du lịch với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Chuỗi các chương trình Festival nông sản, sản phẩm OCOP và du lịch làng nghề được tổ chức đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với du lịch. Chuỗi sự kiện này góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê nông nghiệp truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
Ngày 4-3-2022, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025; trong đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng nhãn hiệu du lịch là một trong những nội dung trọng tâm. Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 là: “Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai ít nhất từ 1 - 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Phấn đấu ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên”. Một trong những nội dung chính của kế hoạch là xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, trong đó nghiên cứu kết hợp lồng ghép Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP; hỗ trợ tư vấn về tên sản phẩm, nhãn hiệu và sản xuất các mẫu sản phẩm đặc trưng đã được chọn làm sản phẩm quà tặng lưu niệm phục vụ bán hàng OCOP và quảng bá.
Khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là xu thế chung trên thế giới nhằm tạo ra những nét đặc trưng, khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ du lịch của từng địa phương. Thủ đô Hà Nội với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa phong phú, việc khai thác tài sản trí tuệ là nhân tố quan trọng để thu hút khách du lịch. Khai thác các tài sản trí tuệ trong du lịch là hướng phát triển bền vững, giúp Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương khác gìn giữ bản sắc văn hóa, đồng thời góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho chính địa phương đó.
- Trân trọng cảm ơn ông!