Tập huấn ứng xử văn minh du lịch trước Lễ hội chùa Hương 2023
Du lịch - Ngày đăng : 11:14, 17/12/2022
Mỹ Đức là huyện ở phía Tây Nam Hà Nội, có nhiều tài nguyên phát triển du lịch với hệ thống di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, đặc biệt là khu di tích thắng cảnh Hương Sơn xây dựng từ thế kỷ XVII – XVIII nằm giữa cảnh sắc núi rừng. Huyện có 315 di tích, trong đó 18 di tích được xếp hạng quốc gia, 81 di tích được xếp hạng cấp thành phố, 6 làng nghề thủ công, nổi bật là làng nghề Phùng Xá. Tại đây đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch, văn hóa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội chùa Hương tổ chức vào ngày mùng 6 âm lịch. Hằng năm, Mỹ Đức đón khoảng 1,5 triệu lượt khách về hành hương, thưởng ngoạn.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, theo quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt, cụm du lịch Hương Sơn - Quan Sơn được xác định là 1 trong 6 cụm du lịch trọng điểm của thành phố với sản phẩm du lịch chính là du lịch văn hóa tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Mỹ Đức cũng là một trong 6 địa phương được thành phố lựa chọn triển khai xây dựng mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2022-2025.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố, Mỹ Đức còn gặp một số khó khăn trong phát triển du lịch như quy hoạch sử dụng đất, thị trường, nguồn vốn, chất lượng nguồn nhân lực… Ngoài ra, Mỹ Đức vẫn còn một số tồn tại về ứng xử du lịch như tình trạng “cò mồi”, chèo kéo, đeo bám du khách, đặc biệt vào mùa cao điểm đầu năm mới (từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch).
Theo Phó Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Vũ Hương Lan, huyện Mỹ Đức có rất nhiều tiềm năng sẵn có để đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng nguồn thu cho người dân trên địa bàn, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mỹ Đức có thể làm phong phú thêm sản phẩm địa phương bằng cách nắm bắt tâm lý du khách, tạo thêm nhiều cảnh điểm để khách chụp ảnh; giữ gìn môi trường sạch đẹp; khuyến khích người dân phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, người dân cần thay đổi cách đón khách, không nhất thiết chào mời từ xa tạo cảm giác “chèo kéo” khiến khách không thoải mái; cần có ứng xử giao tiếp lịch sự, niềm nở…
Tham gia lớp tập huấn, chị Lại Thị Hà, người dân sinh sống tại xã Hương Sơn cho biết, trước đây, tình trạng chèo kéo khách diễn ra nhiều, nhưng giờ đây, sau khi được tuyên truyền, tập huấn, tình trạng này đã giảm nhiều. Những lớp tập huấn được tổ chức hằng năm giúp người dân có thêm kỹ năng ứng xử, thái độ đón khách niềm nở hơn, hiệu quả đón khách cao hơn. Hiện nhiều gia đình còn tổ chức đón, phục vụ khách lưu trú và ăn uống tại chỗ.
Gợi ý thêm giải pháp cho phát triển du lịch của huyện, Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Bùi Lan Hương cho rằng, Mỹ Đức cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối khu di tích thắng cảnh Hương Sơn với các khu du lịch của Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình để hình thành chuỗi du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng; phát triển khu di tích thắng cảnh Hương Sơn thành khu du lịch quốc gia; xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch tâm linh, sản phẩm làng nghề; quy hoạch cụ thể hệ thống các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí để thu hút đầu tư khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Để hỗ trợ thêm cho huyện Mỹ Đức trong phát triển du lịch, trong tháng 7 vừa qua, Sở Du lịch đã tổ chức chương trình khảo sát và làm việc với UBND một số huyện, thị xã trên địa bàn thành phố về xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó có khảo sát mô hình phát triển làng nghề dệt truyền thống huyện Mỹ Đức, một mô hình dệt sen truyền thống có giá trị kinh tế, văn hóa, nghệ thuật cao, được nhiều du khách quốc tế ưa thích.