Bàn giải pháp để du lịch không ''đi trước về sau''

Du lịch - Ngày đăng : 09:58, 21/12/2022

(HNMO) - Sáng 21-12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại nhiều điểm cầu ở các tỉnh, thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tham dự có, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp du lịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo các sở, ngành.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Chính phủ quyết định sớm mở cửa nền kinh tế so với các nước khác, mạnh dạn tổ chức sự kiện SEA Games 31. Đặc biệt, vào ngày 15-3-2022, Chính phủ đã đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Đây là những quyết định hoàn toàn đúng đắn để thúc đẩy việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu những băn khoăn trong hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động đón khách quốc tế chưa đạt được như kỳ vọng.
“Ngành du lịch đang đứng trước việc “đi trước về sau” so với các nước trong khu vực. Mặc dù hoạt động du lịch nội địa đã sôi động, lượng khách vượt xa so với năm 2019 nhưng du lịch quốc tế vẫn còn có nhiều điểm nghẽn”, Thủ tướng nêu.

Vì thế, Thủ tướng đề nghị, tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần phân tích làm rõ nguyên nhân vì sao hoạt động đón khách quốc tế vẫn “đi trước về sau”, giải quyết những điểm nghẽn trong chính sách, cách làm; xây dựng sản phẩm; hoạt động chuyển đổi số; quảng bá, xúc tiến đạt hiệu quả… 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp du lịch sớm đề xuất các giải pháp thiết thực để giải quyết những khó khăn trước mắt, nhanh chóng thu hút khách quốc tế ngay trong mùa cao điểm năm nay.

Nhận diện “điểm nghẽn”, đề nghị tăng thời gian miễn thị thực từ 15 đến 30 ngày

Nhận định hoạt động du lịch sau thời gian mở cửa từ ngày 15-3-2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau thời gian mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4-2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu lượt khách quốc tế (tăng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19).

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, mặc dù là một trong những quốc gia mở cửa hoạt động du lịch sớm nhất nhưng so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, hoạt động đón khách quốc tế tại Việt Nam ít hơn. Cụ thể, số lượng du khách quốc tế tới Thái Lan trong 8 tháng của năm 2022 đạt hơn 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách quốc tế đạt 5,16 tỷ USD. Malaysia trong 7 tháng của năm 2022 đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách quốc tế đạt 2,08 tỷ USD. Singapore trong 7 tháng của năm 2022 đón hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế.

Nhận diện nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng, đồng chí Nguyễn Văn Hùng cho biết, về điều kiện khách quan, thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm); xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tình hình thu hút du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phân tích, chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam. “Ngoài ra, nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài chưa được triển khai...”, ông Nguyễn Văn Hùng nêu.

Từ việc nhận diện “điểm nghẽn” này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, giải pháp cho du lịch Việt Nam là cần tăng cường vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp và kết nối lại doanh nghiệp; xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch hậu Covid-19, trong đó tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến hiệu quả….

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành các chính sách để có thể thúc đẩy việc thu hút du khách quốc tế.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất Bộ Công an triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế, tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực. Bộ Ngoại giao cần phát huy vai trò cầu nối, nâng cao vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến quảng bá du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải cần chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam; tăng thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các phương thức vận tải quốc tế như đường không, đường biển. Bộ Tài chính rà soát, kiến nghị các chính sách tài chính, thuế, hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, nâng cao năng lực, thu hút khách du lịch quốc tế...

Du lịch Hà Nội đã dần phục hồi nhưng cần nỗ lực hơn nữa

Tại hội nghị, thông tin về du lịch Hà Nội, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong năm 2022, thành phố đã triển khai 172 chuỗi hoạt động, trong đó, nhiều sự kiện, hoạt động về du lịch, văn hóa đã gây được sự chú ý lớn, tạo đà kích cầu thị trường du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và đã được đông đảo du khách đón nhận. Đặc biệt, năm 2022, thành phố Hà Nội được nhận 2 giải thưởng là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022” và “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” do Tổ chức Du lịch thế giới đề cử và bình chọn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Hoạt động du lịch của thành phố trong 9 tháng của năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, Hà Nội đã thu hút 18,7 triệu lượt khách đến Hà Nội, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021. 

“Đây là con số còn khiêm tốn so với năm 2019. Để du lịch quay lại vị thế xưa là vấn đề lớn, cần sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhận định.

Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cho phát triển du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Thủ đô nói riêng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đồng tình với các ý kiến về việc cần có nghiên cứu tháo gỡ về vấn đề visa, đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp visa điện tử Việt Nam, mở rộng diện miễn visa đơn phương với một số nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, xem xét gia hạn thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế đối với các nước đang được miễn visa đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất cần tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp; hoàn thiện phương án tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, tích cực tham gia làm đối tác chính thức của các sự kiện chính trị, thương mại, thực hiện các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thuộc tổ chức mà Việt Nam là thành viên.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh thông tin thêm, trước đó thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác với kênh truyền hình CNN của Mỹ, thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá hiệu quả. Tuy nhiên, để việc quảng bá này đạt hiệu quả, tiết kiệm hơn, cần có sự tập trung tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam và các tỉnh, thành cùng chung tay đóng góp...

Du lịch phải làm “ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà”

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm đến việc phát triển du lịch, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Để giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp nêu trong hội nghị, chủ yếu xoay quanh vấn đề thủ tục visa cần nhanh gọn, gia hạn thêm thời gian; hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực… Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các giải pháp khắc phục khó khăn cho ngành Du lịch sẽ sớm từng bước được tháo gỡ trên tinh thần cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các cấp, ngành, doanh nghiệp, địa phương cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa thì mới có tính đột phá. Tác động của dịch Covid-19 cũng là thời cơ để cấu trúc lại ngành Du lịch một cách toàn diện, huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều cấp, ngành, người dân.

“Du lịch phải cung cấp sản phẩm mà du khách cần chứ không phải cung cấp cái mình đang có”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy làm du lịch sau đại dịch Covid-19. Cách tiếp cận thị trường, xây dựng sản phẩm, xử lý các vấn đề khủng hoảng phải đổi mới, sáng tạo, linh hoạt hơn. Du lịch phải được phát triển tổng thể cả du lịch nội địa và quốc tế theo hướng du lịch xanh bền vững, đồng thời phát triển du lịch phải gắn với kinh tế, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cũng như gắn với hoạt động chuyển đổi số, định vị thương hiệu quốc gia.

“Ngành Du lịch cần phải chú trọng xây dựng các điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, ấm lòng du khách và hài lòng chủ nhà”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các ban, bộ, ngành cần rà soát lại các chính sách, đặc biệt là về visa, chính sách thuế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; các hoạt động xây dựng sản phẩm, kết nối tour, tuyến để làm hài lòng du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực, quốc tế…

Hoàng Quyên