Ngành than vươn lên tầm cao mới
Chính trị - Ngày đăng : 07:54, 10/11/2006
Bốc rót than tại cảng than Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Những con số trên ghi tiếp mốc son mới vào sổ vàng truyền thống của ngành Than Việt Nam vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống công nhân mỏ (12/11/1936-12/11/2006).
Chắc chắn những người thợ mỏ chưa quên sự kiện năm 1999, cơ chế quan liêu bao cấp đã bộc lộ những hạn chế tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành Than, thợ mỏ phải gánh chịu những thử thách khắc nghiệt nhất. Cái giá phải trả để quen với “cơ chế thị trường” quả là nghiệt ngã, nhưng cũng chính những bài học đắt giá đó là cứu tinh cho sự tồn tại và phát triển của ngành Than.
Từ chỗ chỉ sản xuất than, TKV đã chuyển mạnh mẽ cơ cấu kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất bằng các hình thức tự đầu tư, liên doanh hay tham gia cổ phần, đột phá vào lĩnh vực xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện; sắp xếp tổ chức lại các nhà máy cơ khí theo hướng đẩy mạnh cơ khí chế tạo và hiện đại hóa cơ khí sửa chữa. Hiện nay, các nhà máy cơ khí của TKV đã chế tạo được các thiết bị khai thác mỏ hiện đại phục vụ cho công tác cơ giới hóa mỏ than hầm lò; tham gia chế tạo các thiết bị cho các nhà máy điện, xi măng; lắp ráp xe tải, xe chuyên dùng, đóng tàu thủy... TKV đang tập trung phát triển vào lĩnh vực công nghiệp nặng trên nền sản xuất chính là than.
Môi trường vùng mỏ được cải thiện đáng kể. Trước đây, để sản xuất được 6 triệu tấn than/năm, cả vùng mỏ Quảng Ninh bụi mù, nay sản lượng đã tăng gấp nhiều lần so với 10 năm trước đây, nhưng không còn cảnh công nhân mỏ than lộ thiên cầm bát cơm phủ một màng bụi đen của than. Tai nạn lao động giảm nhiều nhờ đổi mới công nghệ khai thác và tăng cường giáo dục ý thức kỷ luật lao động cho công nhân. Đời sống của công nhân mỏ đã khấm khá lên nhiều, với 108 ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Bây giờ không còn cảnh người công nhân hầm lò với bộ quần áo nhem nhuốc bụi than đi từ công trường về nhà. Bởi, các mỏ đã đầu tư cho việc giặt sấy quần áo bảo hộ lao động cho công nhân. Mỏ nào cũng có nhà ăn ca với các suất ăn bảo đảm dinh dưỡng.
Để giúp ngành Than đứng vững và phát triển, thành công lớn nhất là TKV đã giải quyết tốt khâu thị trường, lập lại trật tự trong khai thác, tiêu thụ than. Đây là một cuộc chiến đầy chông gai và quyết liệt. Bởi, khai thác than theo đúng qui trình, qui chuẩn của Nhà nước thì giá thành cao, còn khai thác than theo kiểu đào bới sẽ làm thất thoát, lãng phí tài nguyên, phá vỡ cảnh quan môi trường nhưng giá thành rẻ và hiện nay, việc khai thác than, tiêu thụ than đã cơ bản vào nền nếp.
Bên cạnh đó, TKV tích cực đầu tư bằng nhiều nguồn vốn đổi mới công nghệ để duy trì, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo được bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Các Cty Than Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, Hà Tu... đã có các thiết bị khai thác, vận tải với công nghệ tiên tiến có khả năng vượt dốc trong điều kiện khai thác xuống sâu. Các Cty hầm lò đều sử dụng cột chống thủy lực đơn, dàn chống, giá di động, băng tải than lò... để nâng công suất khai thác, giảm tỷ lệ sử dụng gỗ chống lò và cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò. TKV đã hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Ucraina trong việc cung cấp thiết bị hiện đại hóa các mỏ than. Các đơn vị đã thay đổi công nghệ sàng tuyển để có các chủng loại than phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, Cảng Cửa Ông, mở rộng, nối dài bờ cảng, nạo vét sâu luồng lạch, hiện đại hóa hệ thống đăng tiêu để tiếp nhận tàu có trọng tải hàng vạn tấn ra vào nhận than an toàn...
Từ Xí nghiệp quốc doanh Than Hòn Giai năm 1955, đến đầu năm 2006 đã trở thành Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - một tập đoàn kinh doanh đa ngành, với ngành Than là nền tảng, bao gồm từ than chế biến thành năng lượng điện; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản - luyện kim, trong đó khai thác bô-xít luyện alumin và điện phân nhôm sẽ là ngành công nghiệp mới - ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong 10 năm tới, chế tạo máy mỏ, lắp ráp xe tải nặng, xe chuyên dùng; đóng tàu thủy đang trở thành ngành sản xuất chính có lợi nhuận; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp, xi măng, vật liệu xây dựng cũng đang phát triển; các hoạt động dịch vụ khoa học - công nghệ, tư vấn, y tế, đào tạo, thương mại, dịch vụ - du lịch phát triển có hiệu quả.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Đoàn Văn Kiển cho biết, ngành Than đang có thị trường. Vì vậy, trước mắt TKV vẫn tiếp tục nâng cao sản lượng khai thác và tiêu thụ trong những năm tới. 10 tháng đầu năm 2006, TKV đã tiêu thụ 29,9 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2005. Hiện nay, TKV đang đàm phán với các công ty nước ngoài sản xuất than cốc từ than antraxit, chế biến dầu mỏ; nghiên cứu công nghệ thích hợp để khai thác vùng than Đồng bằng sông Hồng với trữ lượng hàng tỉ tấn. Năm 2010, TKV sẽ đưa vào vận hành 1.000 MW công suất các nhà máy điện chạy than; năm 2020, phấn đấu đưa vào vận hành thêm 1.000 MW. Ngoài ra, TKV tiếp tục sản xuất, lắp ráp các loại xe tải hạng trung, hạng nặng và xe chuyên dùng khai thác quặng bô-xit ở Đắc Nông, sản xuất alumin để luyện ra nhôm xuất khẩu.
70 năm trước đây, tại mảnh đất Cẩm Phả đã khởi đầu cuộc đình công của 3 vạn thợ mỏ và trải qua 70 năm, những người thợ mỏ đã đứng vững trước mọi thử thách, đón nhận và hòa nhập trong việc nắm bắt cơ hội để nhanh chóng ổn định, thống nhất hành động. Nơi đây, tiếng cựa mình của những tầng than giữa lòng đất đang ngày càng rõ dần.
Thanh Mai