Ngành Du lịch Hà Nội: Để thân thiện, hấp dẫn hơn
Du lịch - Ngày đăng : 06:15, 14/01/2023
Thách thức mới, cơ hội mới
Ngành Du lịch Thủ đô đã đặt ra nhiều mục tiêu cho năm 2023, trong đó nổi bật là việc đón 3 triệu lượt khách quốc tế (có 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 100% so với năm 2022; công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 45%, tăng 5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng 28,2%.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, đây là mục tiêu lớn mà thành phố đặt ra cho toàn ngành để cùng nỗ lực, quyết tâm thực hiện. Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đón 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế, nhưng chỉ đạt được 1,5 triệu lượt, do còn gặp nhiều khó khăn. Năm nay, với quyết tâm vượt 100% so với năm ngoái, đòi hỏi ngành Du lịch có kế hoạch bài bản trong việc xây dựng sản phẩm, chiến lược xúc tiến, quảng bá, tạo môi trường du lịch văn minh, an toàn.
Đánh giá về khả năng thực hiện mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, là thách thức của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và ngành Du lịch Hà Nội nói riêng. Song, với sự phục hồi nhanh của du lịch nội địa, các giải thưởng du lịch uy tín mà Hà Nội được ghi nhận trong năm 2022, điển hình là Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Tourism Awards) bình chọn Hà Nội là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022”, Hà Nội có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch.
Năm 2023, thị trường du lịch quốc tế được dự báo sẽ khởi sắc, khi một số thị trường trọng điểm được khai thác trở lại, đặc biệt là Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, Hà Nội và cả nước cần chuẩn bị các kế hoạch để nhanh chóng đón lượng khách từ thị trường này một cách an toàn và hiệu quả. “Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức mới của ngành Du lịch. Là trung tâm du lịch lớn, Hà Nội cần chủ động các phương án đón khách cũng như xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn để đón đầu được lượng khách quốc tế, đạt được mục tiêu đề ra”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Xây dựng kế hoạch bài bản
Hiện tại, ngành Du lịch Hà Nội đã hoàn thiện dự thảo kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô năm 2023, với phương châm: Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là một điểm du lịch thành phố hàng đầu thế giới. Trong dự thảo kế hoạch, Hà Nội đưa ra những hành động cụ thể cho du lịch Thủ đô, tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có tác động ngay và hệ thống chính sách dài hạn có tác động thúc đẩy ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thiện phương án sơ bộ Quy hoạch du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; xâu chuỗi, tích hợp quy hoạch cụm du lịch trọng điểm, mạng lưới các điểm đến du lịch trọng điểm vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) Lê Hồng Thái, Hà Nội cần hoạch định thị trường trọng điểm, xây dựng môi trường du lịch nhân văn, phát triển thị trường theo từng chiến dịch. “Hà Nội cần tiếp tục làm mới sản phẩm cũ và xây dựng sản phẩm mới như đã từng làm trước đây tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long. Tới đây, Công ty Lữ hành Hanoitourist sẽ phối hợp với Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội xây dựng các điểm biểu diễn nghệ thuật cuối tuần tại một số điểm trong khu vực phố cổ”, ông Lê Hồng Thái nói.
Ở góc độ quản lý, định hướng cho du lịch Thủ đô phát triển theo “mạch” chung của du lịch cả nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, việc phục hồi, phát triển du lịch Hà Nội cần theo tinh thần đột phá, bảo đảm tăng trưởng xanh, bền vững; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo, riêng có của “Thành phố sáng tạo - Thủ đô ngàn năm văn hiến”. “Hà Nội nên chú trọng tổ chức lại liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành thêm các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đặc trưng của Hà Nội”, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023, Hà Nội tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch theo 5 tuyến: Tuyến trung tâm gồm các quận Hoàn Kiếm -
Ba Đình - Đống Đa - Tây Hồ; tuyến Hà Đông - Mỹ Đức kết hợp với Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) - Tràng An (tỉnh Ninh Bình); tuyến Sơn Tây - Ba Vì - Quốc Oai; tuyến Đông Anh - Mê Linh; tuyến Sóc Sơn. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, sinh thái tại khu vực hai bên và bãi giữa sông Hồng; khuyến khích phát triển các sản phẩm cao cấp hoặc có tính trải nghiệm cao, như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện), du lịch golf, dù lượn…