Tết - “chất liệu” cho sản phẩm du lịch hấp dẫn

Du lịch - Ngày đăng : 11:55, 19/01/2023

(HNMCT) - Nếu như các nước phương Tây có kỳ nghỉ dài từ dịp Giáng sinh cho tới ngày đầu năm mới, thì một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, vẫn đón Tết Nguyên đán theo lịch âm. Những phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc được bảo tồn, gìn giữ hàng nghìn năm qua chính là những “chất liệu” tạo nên các sản phẩm tour độc đáo, thu hút khách du lịch, đặc biệt là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ; qua đó giúp du lịch phục hồi sau dịch Covid-19, đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm.

Mùa xuân trên bản Mông. Ảnh: Mạnh Hải

Đa dạng sắc màu văn hóa Tết Việt

Việt Nam có 54 dân tộc anh em sinh sống ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Mỗi dân tộc lại có một phong tục, tập quán riêng tạo nên những sắc màu văn hóa đa dạng, đặc trưng. Điều đó không chỉ được thể hiện trong nếp sống hằng ngày, mà còn được biểu hiện rõ nét trong phong tục đón Tết Nguyên đán.

Nơi địa đầu Tổ quốc xa xôi, đồng bào dân tộc Lô Lô ở Hà Giang, Cao Bằng đón Tết Nguyên đán từ chiều 30 Tết, sau khi đã dọn dẹp nhà cửa, niêm phong công cụ sản xuất, khu vực xung quanh nhà, chuồng trại... Sau đó, cả gia đình sum họp, ăn bữa cơm tất niên và tham dự lễ cúng sức khỏe. Theo phong tục, các thành viên sẽ được gia chủ gọi hồn sống về đón năm mới. Đàn ông được cúng bằng gà mái, còn gà trống dành cho phụ nữ. Vào thời khắc năm mới, chủ nhà sẽ thắp nén hương khấn mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Những người còn lại sẽ khua hết các vật nuôi trong nhà dậy để chúng kêu, sủa rộn ràng nhằm mang lại một năm mới may mắn cho gia đình và bản làng.

Với đồng bào Dao Quần Chẹt sinh sống ở Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ hay Hà Nội (huyện Ba Vì), Tết nhảy (Nhiàng chậm đáo) là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong tục cúng Bàn Vương dịp đầu năm mới. Tết nhảy được tổ chức vào tháng Chạp, diễn ra trong 3 ngày, 3 đêm với nhiều nghi lễ như: Lễ cúng Tết Nguyên đán, lễ cúng chuyển tiếp (từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy), khai lễ, lễ chính và lễ tiễn đưa. Tết nhảy chỉ được tổ chức tại không gian nhà cái (nhà có bàn thờ tổ tiên của dòng họ) và là việc của mỗi gia đình, dòng họ nhưng luôn có sự hỗ trợ của cả bản nên được coi như Tết chung.

Vào đêm 30, người Mông sẽ làm lễ cúng ma nhà (tổ tiên) bằng 1 con gà trống tơ và 1 con lợn sống. Sau lễ cúng, họ đem lợn, gà đi thịt, nấu nướng rồi thưởng thức, chờ thời khắc năm mới. Trong những ngày Tết của người Mông không thể thiếu rượu, thịt, bánh ngô và 1 mâm bánh giầy. Ngay từ mùng 1, người Mông đã mặc quần áo mới thật đẹp để đi chơi ném pa pao, múa khèn, hát ống, đua ngựa, bắn nỏ... Đặc biệt, năm mới của người Mông không thể thiếu lễ hội Sải Sán (hay lễ hội Gầu tào) diễn ra từ mùng 2 đến 4 Tết âm lịch. Đây là lễ hội riêng của một gia đình có người hay đau ốm hoặc muộn con cái. Vào ngày mùng 2, gia đình này sẽ dựng một cây nêu ở đầu làng và tổ chức lễ hội, có sự tham dự của người dân các bản lân cận. Tuy là lễ hội riêng nhưng đây vẫn được coi là lễ hội của cộng đồng nhằm tạ ơn tổ tiên, cầu mong mùa màng bội thu, con cháu đông đàn.  

Du khách quốc tế tham gia hành trình khám phá “Tết làng Việt” 2023 tại Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Nguyễn Đăng

Những phong tục truyền thống của người Việt hấp dẫn không ít khách nước ngoài. Ảnh: Thu Nga

Biến Tết Việt thành sản phẩm thu hút khách

Những phong tục, tập quán đón Tết độc đáo của đồng bào thiểu số ở miền núi phía Bắc từ lâu đã trở thành nét hấp dẫn khó cưỡng với nhiều khách du lịch nội địa, đặc biệt là du khách miền Nam. Anh Hoàng Cao Minh (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Người miền Nam có quan niệm cởi mở nên không quá khắt khe trong các nghi lễ, phong tục đón Tết. Vì thế, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, tôi cùng bạn bè lại đến các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm hiểu, trải nghiệm phong tục đón Tết. Chúng tôi bị quyến rũ bởi những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, ẩm thực phong phú hay những phong tục độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây. Thời tiết lạnh giá và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng càng khiến những trải nghiệm trở nên ấn tượng hơn”.

Hà Nội cũng là một trong những địa điểm thu hút du khách mỗi dịp Tết Nguyên đán. Từ trước Tết nửa tháng, nhiều hoạt động tái hiện phong tục đón Tết cổ truyền đã được các đơn vị tổ chức nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm phong phú như gói bánh chưng, lễ cúng ông Công, ông Táo và Tất niên ở Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; Lễ thả cá chép, dựng cây nêu ở Hoàng thành Thăng Long, Hội chữ Xuân ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay hành trình khám phá “Tết làng Việt” 2023 tại Làng cổ Đường Lâm. Ông Jason Mcillwain, du khách đến từ Mỹ hào hứng chia sẻ: “Tôi đã đến Việt Nam cách đây 5 năm. Lần trở lại này, tôi quyết định chọn dịp Tết Nguyên đán để khám phá và hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Được hòa mình vào dòng người tấp nập sắm Tết trên đường phố cùng các phong tục truyền thống, tôi cảm nhận được sự hạnh phúc, may mắn khi người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi sẽ kể với bạn bè mình về những trải nghiệm tuyệt vời này để họ lên kế hoạch đến Việt Nam trong thời gian tới”.

Những trải nghiệm đa dạng mang nét đặc trưng văn hóa truyền thống là “chất liệu” và là điều kiện thuận lợi để cấu thành những sản phẩm du lịch độc đáo mà nhiều quốc gia láng giềng đã tranh thủ khai thác từ nhiều năm nay. Theo Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên, dịp Tết cũng là lúc cần cân bằng chuỗi cung ứng du lịch, trong đó, các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò là “cầu nối” giữa cung và cầu về du lịch. “Rất nhiều đoàn khách quốc tế đã chọn đến Việt Nam để khám phá đời sống văn hóa của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Xu hướng này tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này để thu hút khách đến Việt Nam vì đây cũng là mùa cao điểm của thị trường khách inbound. Vì vậy, để kích cầu du lịch, tránh tình trạng bị đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn ngành và đẩy mạnh thương hiệu du lịch Việt Nam trong dịp Tết, cần đẩy mạnh các giải pháp cân bằng từ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu về chất lượng dịch vụ và duy trì các hoạt động bởi không ít du khách quốc tế phàn nàn về việc nhiều nhà hàng, bảo tàng, điểm di tích đóng cửa trong kỳ nghỉ Tết đã gây không ít khó khăn cho họ”. 

Tết Nguyên đán cũng mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp khi nhiều du khách hiện có xu hướng chọn lịch trình khám phá Đông Dương với điểm bắt đầu từ Lào, sang Campuchia và dừng chân tại Việt Nam. Đây là hành trình nằm trong nhóm tour được đặt nhiều nhất tại các công ty lữ hành. Đây hoàn toàn có thể phát triển thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn cả khách quốc tế và khách nội địa nếu các công ty xây dựng lịch trình trải nghiệm không khí Tết Việt từ vùng sông nước Tây Nam Bộ đến cung đình Huế và cuối cùng là ra Bắc để du khách có cái nhìn toàn cảnh về Tết Nguyên đán ở mỗi vùng miền. Đây hứa hẹn là sản phẩm hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao trong việc thu hút khách quốc tế.

Linh Tâm