Nơi in sách mộc bản ở Hà Nội đầu thế kỷ XX

Xã hội - Ngày đăng : 08:47, 07/11/2006

(HNM) - Nghề in mộc bản xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm. Nó gắn liền với việc khắc in những bộ kinh sách để truyền bá đạo Phật khi Phật giáo thịnh hành ở Việt Nam thời Lý - Trần.

Kho lưu trữ ván in mộc bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm

(HNM) - Nghề in mộc bản xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm. Nó gắn liền với việc khắc in những bộ kinh sách để truyền bá đạo Phật khi Phật giáo thịnh hành ở Việt Nam thời Lý - Trần.

Song mãi đến khi Thám hoa Lương Như Hộc triều Lê, sau hai lần đi sứ phương Bắc (Thái Hòa 1-1443 và Thiên Hưng 1-1459) đã đem nghề in mộc bản của Trung Quốc truyền cho dân làng mình thì bấy giờ nghề in sách của ta mới có bước phát triển rõ rệt và dần được truyền đi rộng khắp.

Ban đầu phạm vi in ấn hết sức hạn hẹp (chỉ trong khu vực triều đình và nhà chùa. Hơn nữa, kinh phí cũng hết sức tốn kém). Có những khi triều đình phong kiến quản lý việc in ấn khá nghiêm ngặt. Thời Lê, ngay cả những kinh sách đạo Phật, đạo Lão cũng như thơ văn mà triều đình không cho phép thì người dân không được khắc in. Hay như dưới thời Minh Mệnh, người nào muốn in ấn phải có đơn gửi lên cấp quản lý chuyên trách. Tuy vậy, nghề in sách vẫn không vì thế mà không có bước phát triển. Đặc biệt vào cuối thế kỷ XIX, khi nền kinh tế hàng hóa nảy nở, mạng lưới giao thông phát triển, các đô thị lớn nhỏ xuất hiện thì đời sống xã hội Việt Nam có những biến chuyển nhanh chóng, cùng với nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân đã khiến cho nghề in nở rộ và trở thành một nghề kinh doanh trong xã hội.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam lại có bước chuyển biến mạnh mẽ. Văn minh phương Tây xâm nhập, làm đảo lộn những khuôn phép mà triều đình phong kiến Việt Nam cố công duy trì bấy lâu nay. Các giá trị văn hóa Nho giáo không còn được tôn sùng như trước đây nữa. Lúc này cùng với bước chân xâm lược của thực dân Pháp, một số sản phẩm của nền văn minh hiện đại bắt đầu xuất hiện. Trong đó phương thức in bằng con chữ rời đã có những ảnh hưởng lớn tới việc in ấn xuất bản.

Với tư cách là kinh đô của đất nước, đương nhiên việc in ấn sách ở Hà Nội giữ một vị trí quan trọng. Ngoài hai khu vực đền chùa (chủ yếu in kinh sách ấn tống phục vụ nhu cầu tôn giáo) và triều đình (chủ yếu là các bộ sử) thì ở Hà Nội đầu thế kỷ XX, các nhà in tư nhân hết sức phát triển. Nổi tiếng nhất là phố Hàng Gai với những tên: Liễu Văn đường, Tụ Văn đường, Phúc Văn đường, Đồng Văn đường, Quảng Thịnh đường, Cẩm Văn đường, Quan Văn đường; rồi tới phố Hàng Đào với áng Hiên hiệu, v.v...

Những sách mà các cơ sở này in bán gồm nhiều thể loại khác nhau, song chủ yếu là mảng sách phục vụ cho khoa cử. Mặc dù chế độ khoa cử Việt Nam đầu thế kỷ XX có nhiều xáo trộn, song tới tận năm 1919 mới kết thúc bằng khoa thi Hương cuối cùng. Nhu cầu về sách vở phục vụ thi cử là không thể thiếu. Có điều, do nội dung thi cử có phần thay đổi, từ kinh nghĩa, thơ phú chuyển sang văn sách, luận và thêm cả một phần quốc ngữ (dùng chữ La-tinh) nên các tập luận và văn sách được chọn lọc và bán khá nhiều như Luận thể tân thức do hiệu Cát Thành số 3 Hàng Gai in năm 1911, Hội đình văn tuyển (từng được cơ sở Liễu Văn đường, Đồng Văn đường, úc Văn đường nhiều lần tái bản), Hương thí văn tuyển (Liễu Văn đường, úc Văn đường, Trường Văn đường xuất bản), rồi Hà Nam hương thí văn tuyển (Giai Liễu đường, Liễu Văn đường), Luận ngữ tinh hoa ấu học (Lạc Tĩnh viên). Bên cạnh đó là các bộ sử như Trung học Việt sử toát yếu (ván in để tại số 22 Hàng Bè), Nam quốc địa giáo khoa thư, Văn minh tân học sách... của nhóm Đông Kinh nghĩa thục. Bộ Danh gia quốc âm được hiệu Long Đức ở Hàng Thiếc in hai lần vào hai năm gần nhau 1902, 1904 v.v...

Bên cạnh mảng sách khoa cử phục vụ tầng lớp Nho sinh, mảng truyện Nôm vốn ra đời ở thế kỷ XVII, phát triển mạnh ở thế kỷ XVIII, XIX đến đầu thế kỷ XX lại tiếp tục phát triển. Ngoài việc tái bản những cuốn cũ còn có thêm nhiều đầu sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Riêng cuốn Phạm Công - Cúc Hoa, từ năm 1907 đến năm 1936, được in cả thảy 15 lần (trong phạm vi cả nước). Đặc biệt là Truyện Kiều được in cả thảy 32 lần. Trong số 25 lần in có ghi rõ thời gian và nhà tàng bản thì có tới 16 lần được in tại Hà Nội. Các truyện Nôm khác, với những đề tài cũ, mới không ngừng ra đời như Lưu Bình - Dương Lễ tân truyện, Lưu Nguyễn nhập Thiên thai tân truyện, Quan Âm chính văn tân truyện, Mỹ nữ cống Hồ, Bạch Viên tân truyện, Nam nữ đối ca, Đồng tiền truyện... rồi những bản diễn trò như trò Hà Ô Lôi, trò Nghiêu Thuấn... cũng rất phổ biến.

Ngoài ra, còn có những loại sách thuộc lĩnh vực khác như luật, toán và một số cuốn kinh Phật do cá nhân tự bỏ tiền ra in như bà Trần Thị Trường ở Hàng Gai... Đặc biệt đã xuất hiện những sách cổ động duy tân của nhóm Đông Kinh nghĩa thục. Những sách này, theo Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập I, được tạo nên ngoài phương thức in mộc bản truyền thống, còn có cả lối in hoạt tự (xem mục Văn minh tân học sách). Một điều không thể không nhắc đến là một số cơ sở in ấn ở Hà Nội đầu thế kỷ XX, cùng với các thiện đàn khác trong cả nước tiếp tục in ấn nhiều thơ văn giáng bút. Nếu như trước đó văn giáng bút chỉ đơn thuần là lời của Phật, Tiên, Thánh khuyên răn con người ăn ở thiện tâm thì sang đầu thế kỷ XX nó đã mang thêm nội dung mới. Như ta đã biết, giữa thế kỷ XIX, phong trào Cần Vương diễn ra khá sôi nổi, bằng những vần thơ ca, các nhà Nho tích cực kêu gọi nhân dân chống thực dân Pháp. Sang đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp ra sức khủng bố, cấm lưu hành thơ văn “chống đối”. Để hợp pháp hóa việc tuyên truyền, các nhà Nho liền dùng lời của Phật, Tiên, Thánh kêu gọi nhân dân đoàn kết chống thói hư tật xấu, chống cường quyền áp bức, nhằm chấn hưng văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long. Lời của Phật, Tiên, Thánh ở đây không chỉ lấy lời của những nhân vật Trung Quốc nữa mà chính là lời của những vị anh hùng dân tộc, những vị “thánh” của dân tộc Việt. Hình thức thể hiện cũng trở nên gần gũi qua những vần thơ Nôm dễ thuộc, dễ nhớ. Chính vì thế nó đã khơi gợi được tinh thần dân tộc, kêu gọi nhân dân đứng lên cứu nước cứu nòi.

Như vậy, Hà Nội không chỉ là nơi địa linh nhân kiệt mà còn là nơi nổi tiếng Thi Thư. Chính những cơ sở in này đã góp phần làm nên diện mạo văn hiến một thời của dân tộc ta nói chung cũng như diện mạo văn hiến Thăng Long nói riêng. Nó đã ghi lại đời sống văn hóa của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Nghề in và các cơ sở in ấn ở Hà Nội đầu thế kỷ XX đã có một vai trò tích cực trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long.

Bài và ảnh:Vũ Xuân Hiển

(Viện nghiên cứu Hán Nôm)

ANHTHU