Làng Đổng Xuyên

Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 07/11/2006

(HNMĐT) - Làng Đổng Xuyên có tên Nôm là Kẻ Đổng, còn có tên khác là Gióng Mốt, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Phù Đổng,, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh).

(HNMĐT) - Làng Đổng Xuyên có tên Nôm là Kẻ Đổng, còn có tên khác là Gióng Mốt, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Phù Đổng,, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh).

Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng: Phù Đổng, Phù Dực thành xã Phù Đổng. Tháng 5 - 1961, xã cùng các xã trong huyện Gia Lâm được chuyển về Hà Nội. Trước Cách mạng, Đổng Xuyên có 783 nhân khẩu, sống tại bốn xóm: Thượng, Trung, Đông và Tây.

Đổng Xuyên nằm bên bờ sông Dâu, là địa bàn sinh tụ sớm của người Việt Cổ, từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Dân làng sống bằng nghề trồng lúa trong đồng và làm màu trên đất bãi. Đoạn sông Dâu chảy qua làng xưa rất hẹp, Giữa thời Nguyễn, quan Đê chính Nguyễn Tư Giản cho khai sông Đuống làm ảnh hưởng đến sông Dâu. Ba xóm hữu ngạn sông của làng Đổng Xuyên (Thượng, Trung, Tây) bị lở, lùi dần về phía Nam nên từ năm 1966, phải chuyển các xóm này về xã Đặng Xá.

Cùng với làng Phù Đổng, Đổng Xuyên có một hệ thống các di tích gắn với huyền thoại Thánh Gióng.Trước cửa làng xưa có một tảng đá lớn hằn một vết sâu lõm ở chính giữa, to như bàn chân người, tương truyền là dấu chân ông Đổng - một người khổng lồ trong các huyền thoại Việt Nam. Mẹ Thánh Gióng - người làng Đổng Xuyên trong một buổi đi hái cà vô tình giẫm lên dấu chân đó mà có mang. Bị dân làng dèm pha, Bà phải lên Trại Nòn sống, trong một túp lều dựng trên một gò nhỏ giữa một con đầm rồi sinh ra Thánh Gióng. Nơi đây vào cuối thế kỷ XVII đã xây dựng Đền Mẫu (Khánh quang điện) để thờ Bà.Cách đền Mẫu một đoạn về phía Đông Bắc là Cố Viên, tức Vườn cũ của mẹ Thánh Gióng. Nơi đây hiện còn một nhà bia nhỏ và tảng đá in dấu chân người khổng lồ.

Với những di tích gắn với các huyền tích huyền thoại này, làng Đổng Xuyên là một bộ phận hợp thành của vùng quê Gióng, có hội Gióng (ngày mồng 9 tháng Tư) nổi tiếng cả nước từ ngàn xưa. Ngày nay, dù phần lớn làng đã thuộc về xã Đặng Xá, lại cách trở sông nước, dù tại nơi ở mới, dân làng đã xây đình riêng, cũng thờ Thánh Mẫu và Thánh Gióng, nhưng sự tham gia của dân làng vào hội Gióng ở đền Gióng (làng Phù Đổng) vẫn không hề đứt đoạn. Ngoài ra, hàng năm dân làng vẫn tổ chức lễ giỗ thân mẫu Thánh Gióng vào ngày 21 tháng Hai. Hiện nay lễ này đang được nâng thành một hội với đầy đủ nghi thức trang nghiêm nhằm tôn vinh công lao của mẹ Thánh Gióng. Ngoài tế lễ, hội có các trò đấu vật, đập nồi đập niêu và vui nhất là trò cướp quả “lậu”. Trai đinh chia làm hai phe, mỗi phe có 10 người. Mỗi phe làm một cái “thành”, có cửa khoét to đủ để lọt một quả “lậu” làm bằng củ chuối gọt tròn. Trai đinh hai bên thi nhau cướp quả “lậu” và chuyền nhau, làm sao bỏ được quả lậu vào cửa thành của đối phương là thắng. Cuộc chơi diễn ra trong thời gian cháy một tuần hương. Đây là trò chơi rèn luyện sức khỏe và tính tập thể.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

LANHUONG