"Thiên đường" Hawaii
Giới trẻ - Ngày đăng : 10:16, 06/11/2006
"Bang" Aloha
Trung tâm Đông Tây - nơi tôi tham dự khoá báo chí ngắn hạn dành cho phóng viên Châu Á -Thái Bình Dương - toạ lạc trên đảo Oahu, với thủ phủ Honolulu và bãi biển Waikiki nổi tiếng ở Hawaii. Có mặt tại Hawaii đúng vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm, nhưng nhiệt độ ngoài trời cũng chỉ chừng 30 độ C. Không khí mát mẻ và dễ chịu, chứ không ngột ngạt và oi bức.
Hawaii - ngôi sao cuối cùng trên lá cờ 50 bang của Mỹ - gồm một chuỗi 132 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài 2.450km, nằm giữa Thái Bình Dương và cách đất liền gần nhất hơn 3.200km. Hawaii cũng là nơi mà các vị khách "triệu đô", nhất là các ngôi sao Hollywood, thường lựa chọn tới nghỉ ngơi. Chưa địa danh nào trên thế giới vượt qua Hawaii trong các cuộc bình chọn "điểm du lịch trăng mật quyến rũ nhất". Đảo Maui của Hawaii còn được tạp chí Forbes bình chọn là "Hòn đảo tuyệt vời nhất hành tinh". Chả thế mà mỗi năm, Hawaii thu hút tới hơn 3 triệu du khách và lợi nhuận từ du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân tại đây.
Từ "Aloha" tại Hawaii có ý nghĩa rất đặc biệt: Vừa là "xin chào", "cảm ơn", "tạm biệt", nhưng trong ngữ cảnh nào cũng đi kèm với ý nghĩa "tôi yêu bạn". Người dân Hawaii luôn chú trọng thể hiện "tinh thần Aloha": Nồng nhiệt, thân thiện và phóng khoáng. Chính vì vậy, dù Hawaii là tên gọi chính thức, nhưng người dân địa phương lại chuộng gọi nơi mình sinh sống là "bang Aloha". Ngay cả các biển số xe ôtô tại Hawaii cũng được dập nổi chữ "bang Aloha", thay vì "bang Hawaii". Tinh thần Aloha còn thể hiện ở thái độ mềm mỏng và thiện chí của người dân Hawaii.
Trang phục ưa thích nhất của nam giới tại Hawaii là những chiếc áo nhiều màu in hình tán dừa xanh. "Áo cây dừa" có mặt khắp mọi nơi, từ các buổi tiếp tân, các giảng đường cho tới các cuộc hội họp. Giáo sư Kato - Trường Đại học Hawaii - vừa chỉ vào chiếc áo cây dừa ông mặc, vừa mủm mỉm cười: "Chúng tôi luôn tự hào mình đang sống ở mảnh đất thiên đường, nên phải phô trương một chút chứ". Theo ông, điều quan trọng ở Hawaii là "tôi lắng nghe bạn và bạn lắng nghe tôi", chứ không phải là phong cách công sở cứng nhắc.
Ấm áp Việt Nam
Một điều ngạc nhiên lý thú là rất đông nhân viên tại Trung tâm Đông Tây ở Honolulu đã từng có mối liên hệ đặc biệt với VN. Điển hình là cựu Đại sứ Mỹ tại VN Raymond Burghardt - hiện là giám đốc Trung tâm Đông Tây. Rất tiếc, ngay sau ngày tôi đến, ông lại đi công tác xa nên tôi không có dịp để hỏi chuyện ông. Rồi John Lewis - phụ trách phòng Quan hệ đối ngoại - người từng là cựu chiến binh tại VN và sau đó là phóng viên CNN đặc trách khu vực Châu Á, cương vị đã đưa ông đến VN nhiều lần sau thời kỳ đổi mới.
Còn nhiều người khác nữa như Susan Kreifels - điều phối viên chương trình báo chí của Trung tâm Đông Tây, người từng đến VN ít nhất 5 lần. Bà kể cho tôi nghe những kỷ niệm ở VN và không quên nhấn mạnh: "VN thật đặc biệt và tuyệt vời". Trung tâm Đông Tây sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế lớn tại Hà Nội vào tháng 12 tới, với hàng trăm đại biểu từ Honolulu và khắp nước Mỹ sẽ đến tham dự. Đó là lý do khiến cái tên VN được chú ý nhiều đến vậy tại buổi chiêu đãi của trung tâm.
Trân Châu Cảng
Trân Châu Cảng ngày nay đã trở về vẻ đẹp thanh bình và quyến rũ vốn có của nó, với màu xanh ngăn ngắt của nước biển và những hàng dừa xào xạc. Có chăng chỉ còn là tấm bia tưởng niệm và các mũi tên chỉ dẫn giúp du khách hình dung phần nào về khu vực đã xảy ra trận chiến. Sau 25 phút xem bộ phim tài liệu về cuộc tấn công của phi đội cảm tử Nhật, chúng tôi được đưa lên một chiếc tàu cao tốc để đến nơi xác hạm đội USS Arizona - từng được mệnh danh là "thành phố nhỏ trên đại dương", niềm kiêu hãnh một thời của nước Mỹ - giờ đang nằm im lìm dưới làn nước biển.
Trận tấn công bất ngờ vào sáng 7.12.1941, theo kế hoạch của viên tướng quân đội Nhật hoàng Yamamoto, ngay trong những phút đầu tiên đã đánh chìm toàn bộ chiến hạm Arizona, mang theo toàn bộ thuỷ thủ đoàn gồm 1.177 người đang say giấc nồng. Giờ đây, lấp ló dưới mặt nước là khung con tàu đã gỉ sét. Duy có ống khói và phần trụ tàu ghi rõ tên USS Arizona B39 vẫn lặng lẽ nổi trên mặt nước như chứng tích về chiến tranh.
Lẫn trong số các du khách tới tham quan di tích Trân Châu Cảng có cả những người Nhật. Họ đi thành một nhóm nhỏ, lặng lẽ. Keiko, 22 tuổi, nói với tôi: "Tôi nghĩ chiến tranh đã qua và Trân Châu Cảng là một phần lịch sử. Rất đông người Mỹ đã đến thăm bảo tàng bom nguyên tử tại Hiroshima, nên tôi cũng muốn biết thêm về phần còn lại của cuộc chiến".
Cơm tại cửa hàng McDonald
Một trong những ấn tượng khác của tôi về hòn đảo Hawaii là... các nhân viên hải quan tại sân bay quốc tế Honolulu. Tại tất cả các cửa kiểm soát visa, các sĩ quan đều mang gương mặt Châu Á và nói tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn. Tiếng Nhật vang vọng khắp nơi tại sân bay Honolulu, cứ như tôi đang ở sân bay của xứ sở Phù Tang, chứ không phải ở một bang của nước Mỹ.
Giáo sư Kato cho hay, người Nhật đã tới sinh sống tại Hawaii từ hàng trăm năm nay, và nắm giữ những vị trí rất quan trọng trong xã hội Hawaii. Du khách Nhật Bản cũng chiếm số lượng đông đảo tại Hawaii. Chả thế mà có tới 2/3 hành khách trên chuyến bay từ Osaka tới Honolulu mà tôi tham dự là thanh niên Nhật. "Người Nhật sang Hawaii cũng như đến một nơi nào đó gần nhà mình thôi mà", ông Kato cười xoà.
Ngoài người Nhật, người Trung Quốc, Philippines và Lào cũng là những cộng đồng mạnh và lâu đời tại Hawaii. Còn người Hàn Quốc, VN, Indonesia là những dòng di cư mới đến hòn đảo này, góp phần làm tăng dân số da vàng tại Hawaii. Theo Giáo sư Kato, người da trắng, da đen chỉ chiếm khoảng 30% dân số Hawaii, so với 70% còn lại là người gốc Á và người bản địa. Chính vì đặc điểm này mà ông Timon Thành Trần, một Việt kiều tại Hawaii, dí dỏm bảo tôi nên đến thưởng thức quà sáng tại McDonald - chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh nổi tiếng tại Mỹ. Bởi Hawaii là nơi duy nhất trên thế giới mà thực đơn của McDonald có thêm món cơm để phục vụ khách hàng gốc Á đông đảo tại đây.
Cũng thật lạ vì tôi không mấy ấn tượng hay mặn mà trước cảnh sắc thiên đường tại Hawaii. Có lẽ bởi những bãi cát dài phẳng lặng, màu xanh ngắt của đại dương hay vẻ tĩnh lặng của những hàng dừa tại Hawaii luôn gợi cho tôi nhớ đến vẻ đẹp tương tự của thành phố biển Nha Trang hay Đà Nẵng. Hoặc một phần do nỗi nhớ nhà khiến tôi không cảm nhận hết sự kỳ diệu của cảnh sắc Hawaii. Dù gì đi nữa, với tôi Hawaii không phải là thiên đường. Một ngày nào đó, VN cũng sẽ có một bãi biển được ví như Hawaii của riêng mình. Lúc đó, tôi sẽ đến tận hưởng "Hawaii của VN" cùng gia đình. Với tôi, đó mới là thiên đường.
Theo LĐ