Tăng cường truyền thông đến phụ huynh về vắc xin phòng Covid-19
Xã hội - Ngày đăng : 09:38, 18/08/2022
Dù tỷ lệ trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên hơn 50% sau hơn 2 tuần thành phố triển khai Tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, nhưng thành phố vẫn đứng trong nhóm dưới của cả nước về tỷ lệ này.
Ngày 9-8, HCDC đã khảo sát nhanh đợt 1 và ghi nhận lý do chính khiến nhiều phụ huynh chưa đưa con em đi tiêm là do chưa nhận được tin nhắn hẹn tiêm từ phía nhà trường.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, ngày 16-8-2022, HCDC đã khảo sát nhanh đợt 2 về việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi của 2.792 phụ huynh đang có con, em theo học tại các trường thuộc 22 quận, huyện trên địa bàn thành phố, trong đó, có 2.123 phụ huynh có con, em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi (76%) và 699 phụ huynh có con, em trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi (24%).
Kết quả khảo sát cho thấy: Đối với nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, có 701 trẻ chưa tiêm vắc xin (chiếm 33%), 723 trẻ tiêm 1 mũi (chiếm 34%), 699 trẻ tiêm 2 mũi (chiếm 33%), như vậy tương ứng ở độ tuổi này thì có 1/3 trẻ chưa tiêm, 1/3 trẻ đã tiêm mũi 1 và 1/3 trẻ đã tiêm mũi 2. Đối với nhóm tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, có 15 trẻ chưa tiêm vắc xin (chiếm 2%), 29 trẻ tiêm đã tiêm 1 mũi (chiếm 4%), 326 trẻ đã tiêm 2 mũi (chiếm 49%) và 299 trẻ tiêm mũi 3 (chiếm 45%).
Ngoài ra, kết quả khảo sát nhanh còn cho thấy thông tin về tiêm vắc xin đến từng phụ huynh học sinh có cải thiện so với trước đây. Cụ thể, từ ngày 1-8-2022, số phụ huynh được nhà trường truyền thông kêu gọi đi tiêm chủng qua các nhóm Zalo hoặc sổ liên lạc điện tử đạt 94,4%. Từ ngày 8-8 đến nay, nhà trường có gửi tin nhắn thông báo lịch tiêm và các điểm tiêm cho trẻ đạt 90,2%, số phụ huynh có nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường về nhắc trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt 91,8%.
Phân tích các lý do làm cho học sinh trong độ tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa được tiêm chủng cho thấy (theo biểu đồ thống kê), còn rất ít phụ huynh không đồng thuận cho trẻ tiêm vắc xin mà không có lý do cụ thể. Lý do phổ biến qua khảo sát là trẻ đang mắc các bệnh cấp tính (21%), kế đến là do trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên không có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh (19%), trẻ đã mắc Covid-19 trước đó (16%). Tuy nhiên, còn 2 lý do thuộc về cảm nhận chủ quan của phụ huynh, đó là lo vắc xin gia hạn (19%) và sợ trẻ bị tác dụng phụ của vắc xin (13%).
Phó Giám đốc điều hành HCDC Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh: “Ngành Y tế xin thông tin thêm để các bậc phụ huynh an tâm: Những phản ứng phụ khi tiêm vắc xin là hoàn toàn có thể xảy ra và hầu hết là triệu chứng nhẹ. Điều quan trọng là ngành Y tế cùng với nhà trường luôn chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng phát hiện và xử trí kịp thời. Cho đến nay, qua hàng trăm nghìn lượt tiêm vắc xin cho trẻ em trên địa bàn, tất cả các em đều an toàn”.
Về những lo lắng vì vắc xin gia hạn, HCDC thông tin, vắc xin phòng Covid-19 không có hạn sử dụng cố định. Do vắc xin được sử dụng khẩn cấp nên nhà sản xuất sẽ lựa chọn hạn dùng mà trong khoảng thời gian nghiên cứu đó họ có dữ liệu là vắc xin vẫn giữ được tính ổn định trong điều kiện bảo quản đúng theo hướng dẫn.
Khi có thêm thời gian và dữ liệu về tính ổn định của vắc xin, nhà sản xuất sẽ trình các cấp có thẩm quyền để được phép gia hạn sử dụng. Điều này sẽ giúp tránh việc phải tiêu hủy các lọ vắc xin trong khi chất lượng vẫn được duy trì ổn định. Những lô vắc xin khi được phép gia hạn sử dụng thì đã được thẩm định vẫn đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới.
“Các bậc phụ huynh hãy yên tâm về chất lượng của vắc xin, về sự an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, vì đây là những tiêu chí bắt buộc, ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm của ngành Y tế”, HCDC khuyến cáo.