Hiểu đúng về ghen
Xã hội - Ngày đăng : 14:28, 02/11/2006
Ghen là gì?
Chúng ta tất cả đều đã từng có vài lần ghen trong đời, mặc dù lý do ghen và xúc cảm của mỗi người là khác nhau.
Theo bác sĩ tâm lý Ayala Malach Pines thì Ghen là một phản ứng tổng hợp đối với sự đe doạ mối quan hệ yêu đương hay bản chất của tình cảm ấy”.Không giống như sự ghen tỵ, ghen luôn liên quan tới cảm giác sợ mất mát và luôn có 3 người.
Ghen là phản ứng tổng hợp bởi nó liên quan đến một phạm vi rộng về tình cảm, ý nghĩ và hành động. Những biểu hiện ấy là:
Về mặt tình cảm: đau đớn về tinh thần, tức giận, buồn bã, ghen tị, sợ hãi, nuối tiếc và cảm thấy bị bẽ mặt.
Ý nghĩ: oán giận, khiển trách, so sánh với tình địch, lo lắng về hình ảnh của mình, tự xót thương mình.
Hành động: cảm thấy nhút nhát, run rẩy, toát mồ hôi, luôn đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm những lý do tự trấn an mình, có những hành động hung hăng, thậm chí bạo lực.
Ghen bảo vệ tình yêu thế nào?
Trong các mối quan hệ mà cảm giác ghen tuông chỉ nhẹ nhàng và không thường xuyên luôn nhắc nhở đôi tình nhân không coi ghen là điều dĩ nhiên xảy ra. Nó có thể khuyến khích cả hai đánh giá đúng về nhau và cố gắng làm cho người kia hiểu được giá trị ấy.
Ghen có khả năng thắt chặt sợi dây tình cảm, nó làm cho tình yêu mạnh mẽ và nồng nhiệt hơn. Với “liều lượng” vừa phải và trong tầm kiểm soát được, ghen có thể là một sức mạnh tích cực trong mối quan hệ luyến ái. Tuy nhiên, nếu nó đi quá đà và vô lý thì câu chuyện lại đi theo hướng hoàn toàn khác.
Ghen huỷ hoại tình yêu ra sao?
Đôi lúc, cảm giác ghen tuông vượt qua giới hạn của nó. Ví như, khi một người đàn ông cảm thấy lúng túng, khó xử tại một bữa tiệc bởi vợ anh ta nhận lời khiêu vũ cùng với một người bạn cũ, hay khi một phụ nữ bị cảm giác ghen tuông lấn át bởi chồng có cuộc hẹn với sếp nữ.
Nếu bạn là một người hay ghen, hãy vượt qua nó bằng cách giữ bình tĩnh và làm việc chăm chỉ. Nếu bạn cảm thấy “bệnh” ghen của mình xuất phát từ những vấn đề từ thời thơ ấu, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn. Nếu bạn vừa mới hồi phục sau một cơn ghen, bạn sẽ giải quyết những vấn đề ấy trước tiên. Đây là một số lời khuyên bạn có thể tự áp dụng cho mình:
Tự nhận xét bản thân một cách thực tế
Hãy nhìn nhận các nguyên nhân gây ra cơ ghen của bạn và tự hỏi mức độ đe doạ thực tế thế nào. Bằng chứng nào chứng tỏ mối quan hệ của bạn đang gặp nguy hiểm? Và liệu hành động của bạn có làm cho tình hình xấu đi không?
Tự nói một cách khách quan
Khi bạn bắt đầu cảm thấy sự xuất hiện của cơn ghen, hãy tự nhắc nhở mình rằng người yêu bạn vẫn rất yêu bạn, luôn tận tâm và tôn trọng bạn. Tự nói với mình rằng bạn là một người đáng yêu và thế là không có vấn đề gì xảy ra cả.
Tìm kiếm sự trấn an
Một trong những cách tốt nhất để chế ngự cơn ghen là yêu cầu người yêu mình trấn an tinh thần cho bạn. Nên nhớ bạn không đay nghiến, ép buộc mà chỉ chia sẻ cảm giác bất an và muốn người yêu tháo gỡ vướng mắc ấy.
Vậy nếu bạn đang phải sống chung với một người hay ghen thì sao? Quả là mệt mỏi! Tuy nhiên bạn chớ nên bi quan, việc gì cũng có cách giải quyết của nó. Bạn hãy làm theo những cách sau:
Nghĩ về vấn đề theo một hướng khác
Bạn hãy nhớ ghen là một biểu hiện của tình yêu. Nếu người yêu bạn không biết giá trị của mối quan hệ tình cảm của bạn thì bạn sẽ không gặp phải vấn đề này. Hơn nữa, để “phòng thủ”, bạn hãy cố trở thành người thông cảm và ủng hộ người yêu.
Kiểm soát hành động của mình
Nếu bạn biết rằng những hành động nào đó dẫn đến cơn ghen của người yêu mình thì hãy thay đổi nếu có thể cho đến chừng nào vấn đề được giải quyết ổn thoả.. Hãy chắc rằng bạn luôn nhận được sự đồng tình của người yêu và tránh hứa hẹn nếu bạn cảm thấy lời hứa ấy khó thực hiện được.
Xây dựng lòng tin đối với người yêu
Bạn nên tận dụng mọi cơ hội để thổ lộ với người yêu rằng bạn yêu cô ấy/anh ấy thế nào và tại sao bạn không muốn có quan hệ luyến ái với bất cứ ai khác ngoài người yêu bạn. Đưa ra nhiều lời khen với người yêu và nói về tương lai tuyệt vời mà cả hai đang hướng tới cũng là một chiêu tạo sự tin cậy cao đối với người yêu hay ghen.
Trợ giúp bên ngoài
Nếu ghen tuông không còn là “gia vị” của tình yêu mà trở nên kẻ thù đe doạ mối quan hệ của bạn, tốt nhất bạn nên trao đổi thẳng với người yêu hoặc tâm sự với một người bạn đáng tin cậy. Nếu không, bạn cũng có thể tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.
Hi vọng những nhận định và lời khuyên trên đây sẽ có ích với những đôi lứa đang yêu để kiểm soát và biến những cơn ghen thành những khoảnh khắc đáng yêu trong cuộc sống.
Theo VTV/BBC