Não úng thủy, bệnh có thể chữa được
Xã hội - Ngày đăng : 08:22, 31/10/2006
Niềm vui của hai mẹ con bé Trần Trọng Tân sau phẫu thuật đặt van dẫn lưu.
Nhờ người quen giúp đỡ, bé Tân được ông Đỗ Văn Du (Việt kiều Mỹ) tặng 1 van lưu dẫn, hướng dẫn tới làm phẫu thuật ở Bệnh viện Đa khoa Huế. Đầu năm 2006, sau ca mổ đặt ống lưu dẫn, bé Tân đã khỏe mạnh lên rất nhiều, bắt đầu được đi học
Bé Nguyễn Bảo Nhi (Tả Giang, Tây Giang, Tây Sơn, Bình Định) bị NUT bẩm sinh, chào đời với cái đầu ngày một to ra. Nhờ sự giúp đỡ của Văn phòng Tư vấn di truyền và Hỗ trợ trẻ khuyết tật thuộc ĐH Y khoa Huế, Nhi được phẫu thuật lúc 5 tháng tuổi. Hiện bé Nhi lên 6 tuổi, đang học lớp 1, phát triển bình thường. Theo bác sĩ Lê Nam Thắng (Bệnh viện Nhi TƯ), từ những năm 1986, 1987, Bệnh viện Nhi TƯ đã tiến hành mổ đặt van dẫn lưu dưới sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Hiện giờ, mỗi tuần Bệnh viện Nhi TƯ phẫu thuật 3-4 ca NUT theo lịch và 1-2 ca mổ cấp cứu NUT. Từng trực tiếp phẫu thuật gần 1000 ca, điều làm bác sĩ Thắng bức xúc nhất là hiện ở Việt Nam, bệnh NUT chưa được nghiên cứu và nhận thức đầy đủ. Vì thiếu hiểu biết, nhiều bậc cha mẹ, cán bộ y tế, cho rằng đây là bệnh không thể chữa được, nên để cho trẻ bị NUT chết dần chết mòn. Theo ông, đây là căn bệnh khó phòng tránh nên các bậc cha mẹ nên cho con đi khám tổng quát để được điều trị càng sớm càng tốt. Trong trường hợp không được điều trị, chắc chắn trẻ NUT sẽ bị liệt, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thực tế trên thế giới và ở Việt Nam đã chứng minh, rất nhiều cháu bị NUT được can thiệp sớm đã phát triển tốt, học đại học, hội nhập cuộc sống một cách bình thường.
Trẻ em bị não úng thủy đang chờ được phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định.
Để mang lại sự sống cho những đứa trẻ không may, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, rất cần một sự chung tay giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của các tổ chức, cá nhân, những người hảo tâm… thực sự là cơ hội sống còn cho trẻ em mắc bệnh đầu to.
Linh Chi
- - - - - - - - - - - - -
Theo ước tính, số trẻ em sinh ra bị não úng thủy (NUT) chiếm từ 0,1 đến 0,3%. Ngoài ra, số mắc phải do các biến chứng từ u não chẹn dịch não tủy, viêm màng não mủ, viêm não Nhật Bản... dẫn tới con số gần 1% lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng bị NUT. Như vậy, mỗi năm Việt Nam có thêm gần 5.000 trẻ bị NUT.