Làng Sở Thượng

Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 31/10/2006

(HNMĐT) - Sở Thượng vốn là một phần đất của làng Yên Duyên, nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long. Vào giữa thế kỷ XV, sau cuộc Nam chinh, Vua Lê Thánh Tông đưa một bộ phận tù binh Chiêm Thành ra đây khai khẩn vùng đất hoang, lập thành một sở đồn điền của nhà nước.

Vì gần làng Yên Duyên nên sở này gọi là Yên Duyên Sở Thượng, hay Yên Duyên Thượng, gọi tắt là Sở Thượng, sau hình thành một làng riêng. Làng còn có tên là Sở Lờ, do dân làng rất giỏi đan lờ để đánh cá giữa vùng đất trũng.

Đầu thế kỷ XIX, Yên Sở Thượng là một xã thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, từ năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, sau đổi thành tỉnh Hà Đông). Năm 1961, làng nhập với làng Yên Duyên thành xã Yên Sở, huyện Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Từ tháng 11 - 2003, xã Yên Sở trở thành một phường thuộc quận Hoàng Mai mới được thành lập.

Tên Sở nằm ven sông Hồng, quanh làng xưa kia là một con đầm rộng lớn, do nước sông Kim Ngưu đổ vào. Đây là nơi chứa gần như toàn bộ nguồn nước từ nội thành chảy ra, vì thế, ngày nay, nơi đây đã được xây dựng thành một hồ tiêu úng cho nội thành. Trong tương lai, hồ sẽ trở thành nơi nghỉ mát, một công viên xanh ở phía Đông Nam Thủ đô.

Xưa kia phần lớn đồng làng Sở Thượng đều thuộc công hữu, cứ 6 năm chia lại một lần, diện tích được chia khá lớn (mỗi suất đinh được 5 sào, riêng lý trưởng được đến 2 mẫu 5 sào, phó lý 1 mẫu 5 sào). Song do ruộng ở thế thấp trũng, nên chỉ cấy được vụ lúa chiêm với năng suất thấp và bấp bênh. Dân làng sống thêm bằng hai nghề phụ quan trọng và rất thành thạo là đào thùng đấu và đan lờ đánh cá trong đồng trũng. Trước Cách mạng, dân làng rất nghèo.

Làng Sở Thượng trước đây có ngôi đình thờ ba vị thành hoàng là: Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Thái Phú đại vương. Bản khai thần tích thần sắc năm 1938 không cho biết rõ lai lịch cụ thể của ba vị thần này. Song, có thể suy đoán, Cao Sơn đại vương là em ruột Tản Viên sơn Thánh, Linh Lang có thể là Hoàng tử Hoàng Chân nhà Lý, có công đánh giặc Tống (cuối thế kỷ XI). Làng có chùa Hưng Phúc (đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1998), đền thờ Mẫu Thoải (Mẫu Thủy, do làng gần sông nước) và nhà thờ họ Cao. Hội làng diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám.

Mặc dù là làng nghèo, nhưng xưa kia, lệ làng Sở Thượng rất nặng nề. Trai đinh 17 tuổi mới được vào làng, nộp 3 đồng bạc và 30 khẩu trầu mới được nhận một phần ruộng công của làng chia cho. Đến khi làng có tiệc, phải lần lượt sửa mỗi người một lễ gồm 4 con gà, 4 cân xôi cùng trầu, rượu. Mỗi năm có 4 người hết tuổi lềnh (49 tuổi) được chuyển lên bô (các cụ), mỗi người phải sửa một lễ gồm 1 con lợn, 1 ván xôi. Ai lên bô cả (cụ cao tuổi nhất) phải sửa một lễ gồm một thủ lợn, 2 ván xôi cùng trầu rượu mới được nhận mũ ni che tai của làng. Ai không thực hiện đủ nghĩa vụ với làng, bỏ làng ra đi thì bị thu ruộng, khi trở về muốn vào lại làng phải hạ xuống ba bậc.

Sau hòa bình lập lại, Sở Thượng và Yên Duyên trở thành hai hợp tác xã điển hình của Thủ đô Hà Nội. Ngày nay, làng đang được xây dựng thành một khu vực điều hòa khí hậu, nghỉ dưỡng ở phía Đông Nam Thủ đô.

TS. Bùi Xuân Đính

LANHUONG