Chăm sóc sức khỏe người dân dựa vào cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 07:39, 05/09/2022
Để chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở, các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai nhiều mô hình, hoạt động hỗ trợ người dân dựa vào cộng đồng. Nổi bật là mô hình điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ, gồm 6 trạm, 536 điểm sơ cấp cứu được cấp phép hoạt động trên phạm vi cả nước đã, đang góp phần sơ cấp cứu kịp thời cho không ít nạn nhân khi không may bị tai nạn, thương tích, tai nạn giao thông. Một số địa phương triển khai tốt mô hình này là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Tại Hà Nội, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe (Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội) Đoàn Đại Dương cho biết, thành phố hiện có hơn 40 điểm sơ cấp cứu đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Các điểm đều có thiết bị, dụng cụ y tế, có người ứng trực thường xuyên, sẵn sàng trợ giúp người dân trong những tình huống cấp bách. Là người từng được hỗ trợ, anh Nguyễn Hòa Phú, trú tại khu tập thể Đại học Kiến trúc, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho hay: “Cuối năm 2021, khi tham gia giao thông trên đường Nguyễn Lương Bằng, tôi bị va chạm với xe đi ngược chiều, dẫn đến gãy tay. Ngay sau đó, tôi được người dân đưa vào điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ gần nhất thuộc quận Đống Đa. Nhờ được nẹp cố định cánh tay bị gãy sau ít phút gặp nạn, thời gian điều trị của tôi được rút ngắn, chi phí giảm đáng kể”.
Cùng với điểm sơ cấp cứu, nhiều mô hình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân dựa vào cộng đồng được các cấp Chữ thập đỏ chú trọng phát triển, nhân rộng như “Đội khám, chữa bệnh lưu động” với hơn 500 đội đang hoạt động; “Phòng khám bệnh Chữ thập đỏ” với 736 cơ sở được củng cố, kiện toàn. Ngoài ra, mô hình “Xe cứu thương Chữ thập đỏ”, “Chuyến xe nghĩa tình” hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân nghèo được Hội Chữ thập đỏ nhiều tỉnh, thành phố triển khai, qua đó các giúp gia đình bệnh nhân giảm chi phí và người bệnh tăng cơ hội sống, phục hồi sức khỏe…
Đáng chú ý, công tác khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng khó khăn, các đối tượng yếu thế được mạng lưới Hội Chữ thập đỏ phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thường xuyên. Ngoài ra, phong trào hiến máu tình nguyện được duy trì hoạt động tại 100% Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, thành phố, 99% hội cấp quận, huyện, thị xã và 86% hội cấp xã, phường, thị trấn đã thu hút 1,5% dân số tham gia hiến máu, thu về hơn 1,4 triệu đơn vị máu/năm. “Lượng máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân chủ yếu là từ nguồn hiến máu tình nguyện. Những giọt máu được trao đi đã giúp nhiều cuộc đời ở lại”, Giám đốc Trung tâm máu quốc gia Trần Ngọc Quế nhấn mạnh.
Tinh thần vì sức khỏe cộng đồng dựa vào cộng đồng còn được thể hiện rõ hơn qua cuộc vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ vận động được gần 28.000 người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, trong đó có hơn 670 người đã hiến giác mạc, 2 người đã hiến bộ phận cơ thể sau khi qua đời.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, thông qua những mô hình thiết thực, ý nghĩa nêu trên, những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 8,16 triệu người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Trị giá các hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt gần 638 tỷ đồng/năm. Ý nghĩa hơn, thông qua những mô hình này, các cấp hội thu hút được lực lượng y, bác sĩ, những người có kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người dân cùng tham gia; hàng triệu người dân sẵn sàng trợ giúp những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.