“Buôn tầu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”

Chính trị - Ngày đăng : 08:15, 29/10/2006

Thực hiện ý nguyện của cử tri cả nước, Chính phủ đã quyết tâm và có hành động cụ thể trong việc chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ tham nhũng lớn đã bị phanh phui. Thời gian tới sẽ còn nhiều vụ nữa bị đưa ra ánh sáng.

Thực hiện ý nguyện của cử tri cả nước, Chính phủ đã quyết tâm và có hành động cụ thể trong việc chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ tham nhũng lớn đã bị phanh phui. Thời gian tới sẽ còn nhiều vụ nữa bị đưa ra ánh sáng. Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban. Ban chỉ đạo cũng đã có buổi họp đầu tiên vào ngày 4-10 với các nội dung hành động.

Nếu tham nhũng, lãng phí là tảng băng thì phần nổi là tham nhũng và phần chìm là lãng phí. Trong buổi thảo luận ngày 24-10 về “Tình hình thực hiện ngân sách năm 2006”, đại biểu Phạm Chuyên (Hà Nội) phát biểu rằng việc bội chi ngân sách ở mức 5% cũng có nguyên nhân là lãng phí, nếu kiểm soát được bội chi thì cũng có nghĩa là hạn chế được lãng phí. Đại biểu Tào Hữu Phùng (Hà Tây) dẫn chứng có địa phương xây dựng một nhà máy chế biến rau quả với tổng dự toán là 3 tỉ nhưng không có nguyên liệu nên đành phải biến nhà máy thành nơi bán xe máy. Hay một địa phương khác xây bệnh viện hết 20 tỷ đồng nhưng không có tiền mua sắm thiết bị, không có bác sĩ nên 2 năm nay không có bệnh nhân đến khám. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) dẫn chứng chỉ có hơn 1km đường từ Ô Chợ Dừa đến Kim Liên mà phải chi hết 800 tỷ đồng, còn hơn cả đầu tư làm đường tàu điện ngầm. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề “Tại sao không tìm các phương án khác để giảm chi mà vẫn đạt hiệu quả ?”. Cuối cùng thì ông Thuyết kết luận “tiền ngân sách là tiền Nhà nước nên chi vô tư”. Tại “Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí”, Chủ nhiệm UB pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển đã đưa ra con số, 51 tỉnh thành trên toàn quốc có 252 dự án đầu tư xây dựng cơ bản huy động trên 27.000 ha đất nhưng chỉ có 1/3 diện tích đất được sử dụng thực sự. Vậy số còn lại làm gì ? Ai sử dụng ? Không chỉ lãng phí trong xây dựng cơ bản mà còn lãng phí trong nhiều lĩnh vực khác như lãng phí tài nguyên thô, lãng phí thời gian, lãng phí xe công, hội nghị... Có một dạo người ta mời gọi các sinh viên đỗ thủ khoa các trường đại học về làm việc nhưng chính sách lương bổng, điều kiện làm việc và cả thói “ma cũ bắt nạt ma mới” đã khiến các thủ khoa này phải ra đi. Lại có sinh viên có bằng thạc sĩ kinh tế ở trường đại học Ha-vớt, trường danh tiếng nhất thế giới nhưng vác đơn đi xin vào cơ quan Nhà nước cũng chẳng bộ, ngành nào nhận chỉ vì “không có biên chế”, trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam lại săn đón mời chào. Nếu tham nhũng còn có thể đo đếm được và áp dụng điều này khoản kia của luật này, luật kia để xử lý, thì lãng phí khó phát hiện hơn bởi người ta có thểđưa ra hàng trăm lý do bao biện cho sự lãng phí đó. Cũng chưa có luật nào quy định thế nào là lãng phí. Cũng chưa có cá nhân, tập thể nào gây lãng phí bị đưa ra tòa, chưa ai bị cách chức. Vì thế lãng phí cứ tiếp tục diễn ra ngay trước mắt cử tri và đại biểu Quốc hội.

Mục tiêu kinh tế xã hội mà Chính phủ đặt ra cho năm 2007 cho thấy quyết tâm của Chính phủ rất cao, tăng trưởng GDP ở mức 8,2-8,5%, thu nhập đầu người trong năm khoảng 720 USD. Tuy nhiên dù kinh tế có phát triển nhưng đồng vốn bị rơi vãi là điều khó có thể chấp nhận được. Ngay các quốc gia giàu có người ta còn xót nếu bị lãng phí còn chúng ta - nước nghèo vốn phải vay nhẽ nào lại dửng dưng ? Không phải vô cớ mà các cụ đã nói: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Có làm ra nhiều mà không tiết kiệm thì cũng khó mà giàu được”.

Nguyễn Ngọc Tiến

ANHTHU