Minh bạch thông tin để tránh thực phẩm "bẩn" trà trộn vào siêu thị
Xã hội - Ngày đăng : 12:30, 23/09/2022
Vẫn còn những "hạt sạn"
Vừa qua, có tình trạng mang rau sạch trá hình trà trộn bán tại siêu thị, điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu giám sát và quản lý, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đầu tư bài bản. Mới đây, tại cuộc họp khẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác quản lý chất lượng nông sản, ông Nguyễn Anh Đức - đại diện Saigon Co.op cho biết, sự việc vừa qua đã ảnh hưởng tới thương hiệu của rau củ quả Việt Nam nói chung cũng như Saigon Co.op nói riêng. Các doanh nghiệp đều muốn thu mua trực tiếp từ người sản xuất nhưng không làm được do tính chất, quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, không đủ lượng hàng thường xuyên. Các thủ tục, chính sách thu mua trực tiếp còn khó khăn, không có hóa đơn đầu vào - đầu ra, nên đã phát sinh đơn vị trung gian.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chữ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) cho biết, hiện nay, hàng nông sản trong nước truy xuất nguồn gốc rất hạn chế, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ ở các khâu dẫn đến vẫn xuất hiện những thực phẩm không an toàn tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể...
Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương đang tăng nhanh. Năm 2018, có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP với diện tích 20.000ha, đến hết 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở với 480.000ha.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục đã thực hiện kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu. Kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%. Kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu vi sinh.
"Chất lượng, an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rau nói riêng còn chậm được cải thiện, không ổn định; tỷ lệ mất an toàn còn khá cao, còn khoảng cách với các nước phát triển. Mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trong trồng trọt và sau thu hoạch mới chỉ dừng ở mức độ khuyến khích áp dụng, chưa được mở rộng quy mô lớn. Điều này cho thấy việc kiểm soát chưa được tốt, gây ra những "hạt sạn" trong sản xuất an toàn", ông Nguyễn Như Tiệp cho biết thêm.
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để quản lý an toàn thực phẩm từ gốc, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương về xây dựng vùng sản xuất an toàn. Cùng với đó, tăng cường lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trên thị trường và vẫn phát hiện vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã lấy 1.226 mẫu nông, lâm, thủy sản để giám sát, trong đó phát hiện 41/844 mẫu (chiếm 4,9%) có kết quả vi phạm các chỉ tiêu về chất lượng an toàn thực phẩm. Các quận, huyện đã tiêu hủy trên 3 tấn sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tạo dựng hệ sinh thái lành mạnh
Hiện nay, để cân bằng lợi ích của các bên, tránh "treo đầu dê, bán thịt chó", rất cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Anh Đức - đại diện Saigon Co.op, các bộ, ngành cần tháo gỡ vướng mắc trong khâu cung ứng từ nông trại đến bàn ăn. Mỗi vùng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, không để xảy ra tình trạng nông sản an toàn sản xuất ở một nơi nhưng lại gắn mác ở nơi khác, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.
Còn theo bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các ngành chức năng cần kiểm tra, kiểm soát trên quy mô rộng hơn, có sự kiểm tra chéo và nâng cao vai trò của các địa phương trong quản lý chất lượng nông sản; có chế tài xử phạt nghiêm minh, để không ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính. Cùng với đó, doanh nghiệp hạn chế mua của các nhà cung cấp trung gian vì khó quản lý đầu vào. Các siêu thị cần mua trực tiếp của các nhà sản xuất, hợp tác xã và hỗ trợ về sản xuất..., có như vậy mới kiểm soát được chuỗi cung ứng từ "trang trại tới bàn ăn".
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, các nhà thu mua, đóng gói phải tăng cường giám sát nguồn hàng. Để giám sát, cần đặt ở 3 chỗ: Nhà phân phối lớn, chợ đầu mối, người thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Hơn nữa, để tạo dựng được uy tín cho sản phẩm, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ thì doanh nghiệp phải là đầu tàu. Cục sẽ phối hợp làm điểm tại 1 trong 3 chợ lớn nhất là Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn, lấy mẫu giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa bán trên thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành Nông nghiệp phải xây dựng được chuỗi ngành hàng, khắc phục tình trạng đứt đoạn như hiện nay. Các bên cùng có trách nhiệm với xã hội, doanh nghiệp. Bên cạnh tự bảo vệ mình, cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng. Để kiểm soát được hàng hóa lưu thông trên thị trường, cần có sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các đơn vị của Bộ cần rà soát lại tất cả tiêu chuẩn, quy định, chế tài... xem còn phù hợp hay không, cần sửa gì... nhằm minh bạch thông tin sản phẩm.