Những câu đối thờ - những võ công
Xã hội - Ngày đăng : 08:16, 22/10/2006
Đền Quán Thánh Ảnh: Trung Kiên
Chốn hội tụ trọng yếu ấy, quả nhiên, lưu giữ bao võ công của các danh tướng trong văn sách, gia phả, câu đối, phản ánh một truyền thống giữ nước chống ngoại xâm hiển hách.
Tiêu biểunhất, đã đi vào huyền thoại, là Đức Phù Đổng Thiên Vương. Anh Hồng Kỳ, tổng biên tập “Hồ Gươm”, một tạp chí của Hội Cựu chiến binh Hà Nội, sinh thời nêu ý kiến độc đáo: “Phải chăng Thánh Gióng là Tổ của cựu chiến binh Thủ đô ta?”.
Tại đền Hạ, huyện Sóc Sơn, có câu đối thờ vị tướng từng được ngợi ca Trời thương Bách Việt sơn hà/ Trong nơi thảo dã nảy ra kì tài. Ông tướng “người nhà trời” này có nét lạ lùng trong việc ăn uống: Bảy nong cơm, ba nong cà/ Uống một hơi nước cạn đà khúc sông. Câu đối rằng:
Thiên giáng thánh nhân bình Bắc lỗ
Địa lưu thần tích trấn Nam bang
(Trời sinh vị thánh trừ giặc Bắc
Đất nhớ chuyện thần giữ nước Nam)
Vùng đất võ Mai Động là địa bàn trọng yếu phía Nam kinh thành. Nơi đây lò vật lừng danh/ Bao nhiêu trai tráng bấy anh đô tài. Thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Mai Động rực sáng tên tuổi võ tướng Nguyễn Tam Trinh. Quân sĩ của ông vừa là những người lính chiến thực sự, vừa là đô vật lừng danh: Khố xanh khố đỏ vào sân/ Hai tay bưng giải mười xuân đủ mười. Tướng tài Tam Trinh ra trận múa gươm đi đầu, quân sĩ noi gương chĩa mũi giáo vào ngực giặc, thét to xông tới. Đình Mai Động có câu đối thờ:
Đình triều cổ mộc ân sâm thụ sắc như thôi Tô Bắc khứ
Từ ngoại hàn đàm thoan khích thuỷ binh do hận Mã Nam lai
(Công xưa trước miếu um tùm màu lá biếc như thúc đuổi giặc Tô về đất Bắc
Đầm lạnh ngoài đền rợn sóng
Tiếng nước reo còn căm quân Mã tới phương Nam)
Thời nhà Hán đô hộ, khoảng năm 40-43, dưới cờ nghĩa Hai Bà Trưng còn Nàng Tía, vị nữ tướng múa thanh kiếm báu trong tay, xông vào giữa trận diệt bầy sói lang, khiến giặc vừa khiếp sợ vừa kinh phục. Đình Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì thờ Bà Nàng Tía có câu đối:
Sinh ứng xương kỳ, hiệp tán Hùng gia song hiển hách
Triệu bằng tiền mộng, dực phù Trưng thế nhất anh thư
(Thời thịnh đản sinh, phù triều Hùng hai ngôi hiển hách
Mộng xưa ứng triệu, giúp nhà Trưng một vị anh thư)
Thời Tiền Lý, Lý Bí, tức Lý Bôn, dựng cờ nghĩa đánh giặc Lương, dựng nên nước Vạn Xuân. Quốc hiệu đẹp ấy mang khát vọng của mỗi con dân đất Việt. Phạm Tu, quê Thanh Liệt, Thanh Trì, là danh tướng, cánh tay đắc lực của Lý Nam Đế. Phò vua hết lòng, khi nhắm mắt, ông được cả triều đình thương tiếc. Quê hương Thanh Liệt còn câu đối thờ:
Tướng sử Lục triều, Lương địch quốc
Thần bi nhất Phạm, liệt danh hương
(Chống quân Lương thời Lục triều, dũng tướng lừng danh sử chép
Dòng họ Phạm đất Thanh Liệt, thần võ còn dấu lưu truyền)
Và:
Trương nghĩa cự Lương binh, hách hách tịnh trung huyền nhật nguyệt
Phong hầu minh Lý sử, miên miên thang mộc ấm phần du
(Khởi nghĩa dẹp quân Lương, lẫm liệt tinh trung ngời nhật nguyệt
Phong hầu ghi sử Lý, vẻ vang thang mộc rạng quê hương)
Đức Thánh Trần Hưng Đạo, người làm rạng danh truyền thống chống ngoại xâm của nước Việt với ba lần chống Nguyên Mông, được cả nước lập đền thờ. Ngôi lớn nhất thuộc thành phố Nam Định. Hà Nội, trong ngôi đền ở phường Chương Dương, Hoàn Kiếm có câu đối:
Bạch Đằng thủy trận lưu thanh tích
Đông Hải hùng binh vạn cổ thần
(Trận Bạch Đằng dấu tích còn mãi
Bình biển Đông nghìn xưa hóa thần)
Và
Chương Dương dấu tích thiên thu tự
Hàm Tử linh từ vạn cổ xuân
(Dấu tích Chương Dương từ nghìn xưa vọng lại
Đền thiêng Hàm Tử còn mãi mãi mùa Xuân)
Ngôi đình ở Tương Mai, quận Hoàng Mai, thờ thượng tướng Trần Khát Chân. Bấy giờ, vua Chiêm Chế Bồng Nga thường đem quân tàn phá kinh thành Thăng Long, bị Trần Khát Chân đánh cho một trận kinh hoàng ở ngã ba sông Luộc, phải tử trận. Đình Tương Mai ghi công ông:
Phò Trần chúa, bình Chiêm binh triều đại kỉ cương công bất hủ
Phỏng Mai thôn, vọng Đốn lĩnh giang san y cựu miếu trung quang
(Phù vua Trần, dẹp quân Chiêm bao triều đại đổi thay, công lao không mai một
Thăm làng Mơ, ngắm núi Đốn dải non sông nguyên vẹn, đền miếu vẫn uy nghi)
Thăng Long – Hà Nội còn nhiều, rất nhiều câu đối ghi lại công tích các vị danh thần danh tướng đã góp công gìn giữ, xây dựng non sông cho con cháu hôm nay. Đó là những dòng sử quý, được cô đúc, ghi lại truyền thống vẻ vang của Thủ đô cũng như dân tộc, cần được gìn giữ chu đáo.
Tạ Hữu Yên