Nỗi lo về nguồn gốc rau xanh trong siêu thị
Xã hội - Ngày đăng : 05:41, 18/10/2022
Nhập nhằng “rau chợ” - rau sạch
Nắm bắt được nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã “lóa mắt” trước lợi nhuận, coi thường tính mạng và sức khỏe của cộng đồng, gian lận xuất xứ, nguồn gốc để đưa thực phẩm không đảm bảo an toàn vào các siêu thị. Năm 2015, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất và phát hiện một hợp tác xã chuyên sản xuất rau an toàn đã thu gom rau trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở chợ đầu mối, chợ đêm, thậm chí là rau, củ Trung Quốc để đưa vào các siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn Hà Nội.
Năm 2016, Đội Quản lý thị trường số 32 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện một cơ sở cung cấp rau an toàn thu gom rất nhiều loại rau củ không rõ nguồn gốc rồi đóng gói vào các túi lưới, dán nhãn rồi cung cấp cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Rau xanh là mặt hàng thiết yếu trong tiêu dùng hằng ngày của người dân. Thông tin về nhiều loại rau, quả nhiễm hóa chất, chất kích thích độc hại được bày bán tại các chợ dân sinh khiến nhiều người lo lắng. Nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế đã chọn mua thực phẩm tại các siêu thị hay chuỗi cửa hàng tiện ích với niềm tin rằng hàng hóa ở đó được kiểm soát, kiểm định chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, dù sẵn sàng trả giá cao để mua “rau an toàn” và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng nhiều người đã mua phải các loại rau được thu gom ở chợ đầu mối rồi dán nhãn VietGAP. Người tiêu dùng tin vào mác “rau an toàn” được bán trong các siêu thị, cửa hàng rau sạch không những bị “móc túi” một cách trắng trợn, mà còn không tránh nổi nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Bên cạnh thái độ coi thường pháp luật từ phía cung cấp thực phẩm, không thể không đề cập đến sự vô trách nhiệm của các siêu thị, nhà bán lẻ khi đã quá tin tưởng vào nhà cung cấp, không có biện pháp kiểm tra, hoặc kiểm tra qua loa nên đã tạo kẽ hở để thực phẩm “bẩn” lọt vào siêu thị.
Cũng từ những vụ “làm giả thực phẩm sạch” đã bị phát hiện và xử lý, nhiều người tiêu dùng tỏ ý hoài nghi rằng, liệu còn có bao nhiêu nhà cung cấp đang mua “rau chợ”, tự dán nhãn VietGAP để tuồn hàng vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và bán với mức giá cao gấp nhiều lần mà chưa bị “gọi tên”?
Chị Thanh Loan (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: “Rau củ quả là loại nông sản khi trồng trọt dễ bị phun thuốc trừ sâu độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, tôi thường mua rau xanh tại siêu thị. Dù giá đắt hơn “rau chợ” nhiều lần nhưng thấy các gói rau có tem mác chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm nên tôi “bấm bụng” mua. Thế nhưng, sau những vụ việc gom rau ở chợ đưa vào siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh thì chúng tôi không biết còn có thêm những nhà cung cấp nào cũng tự dán nhãn rau an toàn như vậy. Liệu rau sạch được bán với giá cao đã thực sự đảm bảo an toàn hay không?”.
Khó làm “người tiêu dùng thông thái”
Những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã và đang diễn ra hằng ngày khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Trên thực tế, hậu quả mà thực phẩm bẩn mang lại cho người tiêu dùng không phải sẽ thấy được ngay; chất độc ngấm ngầm hình thành trong cơ thể con người, hủy hoại nhiều thế hệ. Dù có là người tiêu dùng thông thái, là người có kiến thức uyên thâm về an toàn vệ sinh thực phẩm hay chấp nhận mua thực phẩm sạch với giá cao thì họ cũng khó lòng lựa chọn thực phẩm an toàn giữa ma trận thực phẩm “bẩn” len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống.
Nếu nhìn vào quy trình kiểm tra, kiểm soát của các siêu thị, có thể thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng để rau “bẩn” có thể lọt vào siêu thị. Các siêu thị thường đề ra yêu cầu chặt chẽ đối với các nhà cung cấp (về giấy tờ, thủ tục...), chọn lựa những nhà cung cấp có uy tín, thậm chí xuống tận ruộng để lấy mẫu kiểm tra nhưng vẫn không thể kiểm soát tốt chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Nhiều nhà cung cấp có thể tuân thủ quy trình trồng rau an toàn, đáp ứng đúng tiêu chuẩn để cung cấp cho siêu thị, nhưng khi số lượng rau không đủ đáp ứng nhu cầu thì hoàn toàn có thể xảy ra chuyện thu gom “rau chợ” rồi dán nhãn rau an toàn để đưa vào siêu thị.
Để không còn tình trạng “rau chợ đội lốt rau sạch” xảy ra tại các siêu thị, nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng liên ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Liên quan sự việc rau chợ “đội lốt” VietGAP tuồn vào siêu thị mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị của Bộ phải rà soát chính sách, văn bản pháp quy, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý; cập nhật kịp thời cho phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp... Bộ trưởng nhận định: “Sự việc rau trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ được người ta dán nhãn VietGap để tuồn vào siêu thị cho thấy chuỗi ngành hàng nông sản vẫn bị đứt gãy, tình trạng gian dối vẫn còn đất sống. Hiện vẫn còn tồn tại tình trạng dễ dãi trong cả cung và cầu các mặt hàng nông sản và đó là vấn đề phải điều chỉnh”.
“Sạch từ trang trại đến bàn ăn” là mục tiêu lớn mà muốn thực hiện được thì phải có sự kết nối chặt chẽ giữa các nhân tố trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” thì cần có sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ. Bên cạnh yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thái độ xử lý vi phạm vừa công bằng vừa kiên quyết, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của hiệp hội ngành hàng liên quan cũng như ý thức tiêu dùng thông minh của người dân.