Hà Nội tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ
Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 22/10/2022
Vẫn nan giải vấn đề nguồn gốc
Theo bà Nguyễn Thị Liên, bán rau ở Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), mỗi ngày cửa hàng của bà bán khoảng 4 tạ rau, được lấy từ các huyện của Hà Nội và một số tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La, Hải Dương... Mặc dù cửa hàng ghi ngày, tháng nhập hàng hóa, nhưng chưa ghi rõ chủng loại rau có nguồn gốc xuất xứ ở địa phương nào.
Không chỉ với chợ đầu mối, đối với các chợ dân sinh, vấn đề ghi hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hầu như không thực hiện. Bà Đỗ Thị Huyên, chủ cửa hàng bán hoa quả tại chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết, hằng ngày, cửa hàng bán 10-20kg rau và 50-60kg hoa quả, sản phẩm đều nhập từ các vùng sản xuất rau, quả trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên. Tuy nhiên, bán hàng lẻ tại chợ nên chỉ có hóa đơn nhập hàng, không có giấy chứng nhận sản phẩm rau, quả đạt chất lượng an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị, 453 chợ, hơn 2.000 cửa hàng tiện ích; 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, 128 chuỗi kinh doanh hàng hóa nông sản, thực phẩm. Cùng với đó, Hà Nội có 2 chợ đầu mối là Minh Khai và phía Nam cùng 3 chợ có tính chất đầu mối gồm: Chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín).
Các chợ đầu mối kinh doanh lượng lớn nông sản, thực phẩm, chẳng hạn như: Chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng hơn 200 tấn nông sản; còn Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) tiêu thụ khoảng hơn 540 tấn nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, phần lớn tiểu thương kinh doanh tại chợ vẫn chưa chú trọng tới vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT) Ngô Đình Loát cho hay, hiện nay, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ, nhất là chợ đầu mối và có tính chất đầu mối là nhiệm vụ hết sức quan trọng do việc tiêu thụ hàng hóa tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trong thói quen tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, Hà Nội tự sản xuất được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố.
“Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố còn nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung. Tình trạng vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm từ các tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn diễn ra trên địa bàn. Việc kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ còn khó khăn”, ông Ngô Đình Loát cho biết thêm.
Tăng cường công tác tuyên truyền và giám sát
Để tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, hiện nay, trên địa bàn huyện có chợ gia cầm Hà Vỹ và các chợ dân sinh trên địa bàn các xã, thị trấn. Để giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, huyện tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất trồng rau, quả an toàn; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm kiểm soát từ gốc. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân, tiểu thương về sản xuất, kinh doanh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hiện nay, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND thực hiện Ðề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025". Theo đó, mục tiêu 100% số đơn vị quản lý chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm… Để đạt mục tiêu này, các ngành chức năng cần yêu cầu Ban Quản lý chợ kiểm soát chặt chẽ nông sản trước khi đưa vào chợ kinh doanh; đối với trường hợp cố tình vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn; xây dựng chuỗi liên kết, kiểm soát nguồn gốc từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong kiểm soát chất lượng nông sản đưa về Hà Nội tiêu thụ. Các tỉnh, thành phố quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng của thành phố, ban quản lý các chợ tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra nguồn gốc hàng hóa kinh doanh tại chợ, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.