Tham gia giết mổ chó, một người đàn ông tử vong do bệnh dại
Xã hội - Ngày đăng : 09:51, 25/10/2022
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, chiều 16-10, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở. Đến sáng 18-10, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Mê Linh khám, được test cúm B dương tính. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân kích thích, nói nhảm, không hợp tác.
Đến ngày 19-10, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được đưa đến khoa cấp cứu A9 trong tình trạng loạn thần, kích thích, sợ lạnh, sợ nước nên được chẩn đoán nghi ngờ bị bệnh dại. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).
Tại đây, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân tử vong và được gia đình làm thủ tục đưa về quê mai táng. Sáng 20-10, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trả lời kết quả, bệnh nhân dương tính với vi rút dại.
Trước đó, theo thông tin từ phía gia đình nạn nhân, trong vòng 2 tháng nay, người này có tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn. Hai con chó được giết mổ đều khỏe mạnh và đã nuôi hơn 5 tháng nhưng không được tiêm phòng. Người đàn ông tử vong vì bệnh dại này cũng chưa tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Gia đình nạn nhân cũng không rõ người này có bị cắn hay có vết thương khi giết mổ chó hay không.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, hằng năm, thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc do bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn.
Để thực hiện mục tiêu “Không có người chết vì bệnh dại từ năm 2030” mà Chính phủ đề ra, theo ông Vũ Cao Cương, cán bộ y tế Thủ đô cần tiếp tục tập trung tư vấn, tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh dại để người dân chủ động xử lý ngay vết thương khi bị chó, mèo cắn và đến cơ sở y tế để tiêm phòng kịp thời. Đối với người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành Thú y để phòng, chống bệnh dại.
“Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời”, ông Vũ Cao Cương khuyến cáo.