Chùa Cầu Đông
Xã hội - Ngày đăng : 08:34, 18/10/2006
Giữa phố Hàng Đường suốt ngày rầm rập người qualại, ai ngờ lại có một ngôi chùa cổ có tới vài trăm tuổi. Phố này dài 180m, nhưng vốn thuộc về đất đai của hai làng cổ. Nếu chỉ tính đầu thế kỷ 19 thì đoạn trên là đất làng Vĩnh Thái, đoạn dưới là đất làng Đông Hoa môn Nội Tự.
Ranh giới 2 thôn này là sông Tô chảy từ chỗ Chợ Gạo qua Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch sang Hàng Cá. Chỗ sông Tô cắt Hàng Đường có cầu đá bắc qua tên là Cầu Đông Hoa, gọi tắt là Cầu Đông. Tới giữa thế kỷ 19, làng Vĩnh Thái đổi tên là Vĩnh Hanh và làng Đông Hoa môn Nội Tự hợp với 2 làng Đông Hoa môn và Hậu Đông Hoa thành ra làng Đức Môn.
(Nếu ngược lên đời Lê, khi Thăng Long chỉ gồm có 36 phường, thì đoạn trên thuộc phường Đồng Xuân và đoạn dưới nói chung thuộc phường Hà Khẩu). Dấu vết các làng trên còn lưu lại là đền Vĩnh Hanh số nhà 19B Hàng Đường (đã dồn lên gác 3) và đình Đức Môn là số nhà 38 cùng phố. Cạnh đình là chùa, có tên đầy đủ là Đông Hoa Môn tự. Song dân chúng gọi tắt là chùa Cầu Đông vì ở gần cầu này. Nguyên khi còn thành nhà Lê (bị phá năm 1805), thì bức tườngthành phía đông chạy dài gần trùng với phố Bát Sứ. Cửa mở qua tường thành là cửa Đông Hoa, nằm ở khoảng ngã tư Lãn Ông - Bát Sứ.
Chùa Cầu Đông còn 4 tấm bia có các niên đại 1624, 1639, 1711, 1816. Bia 1624 có tên là Đông Môn tự ký (bài Ký về chùa Đông Môn), do nhà sư Nguyễn Văn Hiệp dựng, kể lại việc chính ông mua thêm đất mở rộng khuôn viên và xây dựng mở mang chùa. Bia 1639 có tên ngắn gọn Đông môn tự, ghi tên các vị hảo tâm đóng góp công đức tu bổ chùa. Bia 1711 có tên đầy đủ hơn: Trùng tu Đông Môn thiền tự bi Ký (sửa chữa chùa thiền Đông Môn) có ghi một lệnh chỉ của chúa Trịnh Cương cho chùa một số ưu tiên. Bia 1816 có tên Trùng tu Đông Môn tự chi bi Ký (sửa chữa chùa Đông Môn) kể lại công sức thập phương tu sửa chùa. ở các bia này có ghi rõ vị trí của chùa, như bia 1624 có các câu: "Sông Nhị chầu phía trước, muôn ngàn dòng nhánh tỏa lượn mênh mông. Thành Long Biên ẩn đằng sau, tranh cao với núi non trùng điệp. Thật là ngọc báu của nước nhà".
Ngoài 4 bia trên, trong chùa còn một cổ vật nữa. Đó là quả chuông đúc năm 1800 còn nguyên niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8. Trên chuông có bài minh mở đầu bằng dòng chữ: "An Nam quốc, Phụng Thiên phủ, Thọ Xương huyện, Đông Hoa Môn Nội tự thôn", và cho biết : "Duy gọi chùa cổ, cầu đá bên sông, Sông Tô bên trái, cửa Hoa bên phải", ghi chép này vẫn đúng với vị trí hiện nay của chùa (Cửa Hoa tức cửa Đông Hoa ở khoảng ngã tư Lãn Ông - Bát Sứ).
Như vậy chùa Cầu Đông là ngôi chùa cổ, chậm nhất là đã có mặt ở Thăng Long đầu thế kỷ 17. Tất nhiên từ bấy đến nay đã qua nhiều lần sửa chữa, nhưng vị trí thì vẫn y nguyên. Chùa đã đi vào ca dao:
Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa
Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương.
Mặt ngoài có phố Hàng Đường ...
Ca dao thì không rõ niên đại, nhưng câu chuyện Bích Câu kỳ ngộ thì kể chuyện rằng đời Lê Thánh Tông (thế kỷ 15) chàng Tú Uyên theo lời ông tiên trong mộng đã ra chợ Cầu Đông mua được bức tranh tố nữ Giáng Kiều. Chợ đó nằm bên bờ Cầu Đông không xa chùa là mấy. Câu chuyện kỳ ngộ được viết thành truyện nôm, đoạn thuật lại lời tiên dạy như sau :
Trước sân sang sảng dạy lời
Rằng "Mai sớm đợi ta ngoài sông Tô
Lọ là oanh yến hẹn hò
Cầu Đông sẵn lối, cầu Ô đó mà"
Về tượng trong chùa hiện nay thì bài trí tương tự các chùa ở miền Bắc, cũng đủ Tam thế, Di đà tam tôn, Thích Ca tam tôn ... Nhiều pho đẹp. Duy có 2 pho tượng ởbên trái hậu cung được vị trụ trì là Thày Đàm Toan cho biết đó là tượng Trần Thủ Độ và bà vợ. Như vậy thì quả nơi đây là độc nhất ở Hà Nội có thờ vị khai quốc nhà Trần. Có thể chú ý thêm đến một hương án đẹp, đường nét chạm trổ có giá trị nghệ thuật cao. Có điều là từ mấy chục năm trước, chùa xuống cấp. Nhất là cửa tam quan bị mấy hộ dân bên ngoài vào sử dụng làm cửa hàng, khách lạ qua đường không thể biết là sau cửa hàng này là một cổ tự từng một thời được coi là "ngọc báu của nước nhà".
Từ năm 1994, nhờ các cơ quan như UBND phường, Sở Văn hóa, Sở Nhà đất thành phố can thiệp, tam quan đã được giải phóng và nhờ công sức, tâm thành của Đảng ủy, ủy ban phường sở tại cùng đông đảo bà con phật tử, tam quan được làm lại, đẹp, và chùa bước đầu được tu sửa. Năm 1995, Hội Hữu nghị quốc tế bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội của các bạn người Ôxtrâylia đã vận động được các nhà hằng tâm hằng sản Hà Lan đóng góp thêm vào công việc tu bổ chùa. Thật là một biểu hiện đẹp của tình hữu nghị và là một nghĩa cử giàu tính văn hóa. Sang năm đầu thế kỷ 21, UBND Thành phố đã lại đầu tư lớn, làm một cuộc đại trùng tu khiến chùa Cầu Đông đã trở lại là “Ngọc báu nước nhà”
Nguyễn Vinh Phúc