Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 08/11/2022
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương:
Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm
Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội luôn quan tâm giám sát liên ngành công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội quan tâm quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm. Từ yêu cầu của Chỉ thị số 17-CT/TƯ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ chủ động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin về các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, cũng như cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực này.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn:
Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào
Để đạt được mục tiêu 100% chợ trên địa bàn Thủ đô được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm…, Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu các Ban Quản lý chợ kiểm soát chặt chẽ nông sản trước khi đưa vào kinh doanh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo luật định. Quán triệt tinh thần của Chỉ thị số 17-CT/TƯ, Sở tập trung chỉ đạo xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm người dân Thủ đô được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến:
Xử lý, ngăn chặn và giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm
Căn cứ vào Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với yêu cầu và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm của địa phương. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm trên hệ thống loa truyền thanh từ huyện tới các xã, thị trấn trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn và có biện pháp xử lý dứt điểm hành vi vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, tránh tình trạng gia súc, gia cầm đã qua giết mổ nhưng chưa được kiểm dịch mà vẫn lưu thông trên thị trường.
Trưởng ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy Bùi Doãn Dũng:
Quán triệt tất cả các chợ trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định
Chợ truyền thống hiện vẫn là một trong những kênh phân phối thực phẩm tươi sống chiếm ưu thế, thu hút đông đảo người tiêu dùng. Do đó, Ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy luôn quán triệt các chợ trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại tất cả các chợ, các hộ kinh doanh thực phẩm phải ký cam kết thực hiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm do quận và thành phố kiểm tra đột xuất; khi phát hiện vi phạm sẽ phối hợp xử lý theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giúp cả người kinh doanh và khách mua hàng cách nhận diện thực phẩm an toàn, vệ sinh.
Bà Nguyễn Hải Bằng, ngõ 48 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai:
Cần nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm
Bên cạnh những chợ được sửa chữa, xây dựng mới khang trang, thành phố Hà Nội vẫn còn những khu chợ hoạt động lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích chật hẹp, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh. Nhiều chợ được xây dựng từ lâu, chưa có hệ thống xử lý chất thải, chưa phân chia khu vực chế biến, trang thiết bị phục vụ việc kinh doanh thực phẩm còn thiếu và thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, việc xây dựng và nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm gắn với chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ chính là giải pháp để các chợ truyền thống được quy hoạch chỉn chu, xây dựng, sửa chữa cho khang trang, sạch đẹp và đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.