Phú Diễn, một làng quê văn vật

Xã hội - Ngày đăng : 14:38, 17/10/2006

(HNM) - Ở huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, có một số làng đều có tên nôm là Diễn. Có thuyết cho rằng, đời nhà Đường đô hộ nước ta vào năm Vũ Đức thứ 4 (621) có đặt ra huyện Ô Diên thuộc Từ Châu, vậy nên vùng Diễn có thể là Ô Diên xưa.

(HNM) - Ở huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, có một số làng đều có tên nôm là Diễn. Có thuyết cho rằng, đời nhà Đường đô hộ nước ta vào năm Vũ Đức thứ 4 (621) có đặt ra huyện Ô Diên thuộc Từ Châu, vậy nên vùng Diễn có thể là Ô Diên xưa.

Một số thư tịch khác, như sách Việt điện u linh lại cho biết Lý Phật Tử có đóng đô ở Ô Diên, mà nay xác định là vùng Hạ Mỗ còn di tích thành này. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học mới minh định được. Các sách địa lý cuối thế kỷ XVIII có ghi rõ, vùng Diễn có ba xã là Phú Diễn, Phù Diễn và Phu Diễn. Còn địa phương này từ xưa đã có câu: "Từ Liêm tam Diễn: Phú, Phù, Phu". Cả ba xã này thuộc tổng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, một vùng đất rất cổ của Thăng Long xưa. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ viết về Phú Diễn, một làng quê nằm sát bên sông Nhuệ, từ xưa là một xã như người ta hay gọi là "nhất xã nhất thôn". Phú Diễn còn có tên nôm na là Diễn bơi. Cái tên Diễn bơi có xuất xứ: từ lâu đời làng đã có tục bơi thuyền trên sông Nhuệ. Sông Nhuệ phát nguyên từ đầm Bát Long, vùng Hạ Mỗ, chảy qua kẻ Đăm, về ngang qua đầu làng Phú Diễn, trước của đình. Đình Phú Diễn nay vẫn có 6 gian nhà dài là nơi để thuyền bơi thi đầu mùa xuân hàng năm. Nhưng rồi, vào năm ất Mão (1915), đê sông Hồng bị vỡ ở Liên Mạc, nước lũ đã cuốn trôi cát bồi lấp quãng sông Nhuệ đầu làng Phú Diễn. Mặc dù về sau có đào thành con ngòi thoát nước, gọi làng sông Pheo, nhưng không đủ để mở hội đua thuyền hàng năm nữa. Tuy thế, người ta vẫn cứ gọi Phú Diễn bằng cái tên nôm na Diễn Bơi một cách rất tự nhiên suốt gần một trăm năm qua.

Phú Diễn là một làng quê văn vật, có nhiều người học giỏi đỗ cao. Cũng phải nói thêm rằng, ngoài cái tên nôm na là Diễn Bơi, Phú Diễn còn có cái tên khác nữa là Phúc Khê. Sở dĩ có tên gọi đó là vì phía sau làng có một con ngòi, nước rất trong, gọi là Thư Khê (nghĩa là Ngòi Sách). Điển tích này chứng tỏ là đất văn vật. Người khai khoa của Phú Diễn là ông Lê Tảo, 29 tuổi đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung. Ông làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, sau khi mất được tặng Thượng thư tước Công. Sau Lê Tảo, có ông Hoàng Hiệp Tâm, 24 tuổi, đỗ Tiến sỹ khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) đời Lê Thần Tông. Ông làm quan đến chức Phó Đô ngự sử, khi mất được tặng Tả thị lang, tước Nam. ở Phú Diễn, dòng họ Nguyễn có nhiều người danh tiếng hơn cả. Đầu tiên phải kể đến Nguyễn Đạo An, người có tiếng tăm lừng lẫy nhất. Ngôi nhà thờ họ Nguyễn, ở đầu làng, lớn như một ngôi đình, còn lưu giữ hai bản sắc chỉ cổ ghi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1684) đời Lê Hy Tông, phong tước Đại vương cho Nguyễn Đạo An. Nguyễn Đạo An xuất thân nhà nghèo, sau khi thi đỗ Sinh đồ đã đi dạy học ở một nhà bán thuốc Bắc tại Kinh thành Thăng Long. Chính thời gian này ông học được nghề thuốc. Sau, thế tử của chúa Trịnh Tráng bị đau mắt nặng, không thầy thuốc nào chữa khỏi được, và Nguyễn Đạo An đã vào phủ chữa khỏi bệnh cho thế tử. Do vậy, Nguyễn Đạo An được lưu lại Thái y viện trông nom việc chữa trị cho nhà Chúa và cho hoàng tộc nhà Lê; rồi ông kiêm luôn việc dạy học cho con Chúa và các Hoàng tử con Vua, trong đó có Thái tử Lê Huy Vũ. Sau khi Thái tử lên ngôi Vua, là Lê Huyền Tông, lấy niên hiệu Cảnh Trị, ông Nguyễn Đạo An được phong Công bộ Thượng thư, Quốc sư, Phái Quận công. Suốt đời làm quan, ông giúp vua giúp nước được nhiều việc hay. Khi về hưu, biết ông ốm sắp mất, chúa Trịnh Tạc lệnh cho dân binh phải đắp ngay một con đường rộng dẫn vào làng ông ở. Chỉ trong thời gian ăn giập bã trầu, con đường gần một cây số đã được đắp rộng rãi. Bởi vậy, lối dẫn vào Phú Diễn còn có tên là đường "Giập bã trầu". Ông Nguyễn Đại An qua đời ngày 20 tháng Giêng 1664. Sáu năm sau vua phong thêm tước cho ông. Rồi đến đời Lê Hy Tông, năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680), vua cho tiền xây đền thờ Nguyễn Đạo An, và tặng cho ông tước Đại vương. Họ Nguyễn kế thừa tài làm thuốc của Nguyễn Đạo An, có Nguyễn Đạo Bình sau làm Chánh lương y trong Thái y viện đời Lê Dụ Tông (1705-1729). Cho đến thế kỷ XX, có lương y Nguyễn Đạo Tiếp, mở hiệu thuốc ở thị xã Phúc Yên tên hiệu là Đại vương đường, có môn thuốc đau mắt rất nổi tiếng được truyền từ tổ phụ Nguyễn Đạo An.

Ngoài một số người đỗ đại khoa, Phú Diễn còn có nhiều người đỗ cử nhân, tú tài, xin nêu vài trường hợp: Ba anh em ông Nguyễn Đào Phan, Nguyễn Đào Tấn, Nguyễn Thu Phương cùng đỗ cử nhân khoa Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1888), sau được bổ làm Huấn đạo, Tri phủ và Giáo Thụ. Có chuyện ông Phương làm Giáo thụ ở Gia Lâm lên thăm em làm Tri phủ ở Yên Lãng; thấy ông Tấn đánh đập tàn nhẫn người giúp việc, ông Phương mắng em là ác và bảo không bỏ ác đi thì sẽ tuyệt tình anh em. Sau, các ông được biết đến là những người cương trực và sống có đức. Trường hợp nữa, ông Nguyễn Đại, đỗ đầu khoa thi Hương năm Mậu Ngọ, niên hiệu Tự Đức 11 (1858), làm án sát tỉnh Đông (tức Hải Dương). Vào tháng 10 năm 1873, quân xâm lược Pháp do Francio Garnier chỉ huy đánh chiếm thành Hải Dương. Nguyễn Đại cùng quân binh chống cự suốt ngày 14, vì giặc quá mạnh, ngày 15-10-1873, ông rút quân về đóng ở Gia Lộc và CẩmGiàng. Sau ông bị giặc vây bắt đày ra Côn Đảo. Có một tên cai ngục hành hạ ông, ông quắc mắt mắng: "Tao là Nguyễn Đại, án sát tỉnh Đông, đã cầm chống quân Pháp đây, mày không được hỗn láo...”. Từ đó, tên cai ngục thay đổi cách đối xử với ông cũng như một số tù nhân khác.

Phú Diễn là một làng quê nổi danh của Thăng Long xưa, đất ven sông Nhuệ không rộng nhưng đẹp tươi và con người thì thanh cao, mạnh mẽ. Cùng với Phù Diễn và Phu Diễn, Phú Diễn tạo nên hệ thống các làng Diễn ở Kinh kỳ mà người tứ xứ hằng mến cảnh mến người.

Tân An

ANHTHU