Cần đi khám sớm để điều trị hiệu quả bệnh tồn tại màng đồng tử
Xã hội - Ngày đăng : 10:21, 10/11/2022
Theo đó, tháng 7-2022, Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ (thành phố Hồ Chí Minh) tiếp bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Diễm (sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh) bị màng che trước đồng tử. Khai thác bệnh sử, các bác sĩ được bệnh nhân cho biết, từ những ngày học cấp II, chị Diễm đã được phỏng đoán có dấu hiệu đục thủy tinh thể, thị lực ngày càng giảm khi lớn lên.
Đến tháng 8-2022, khi tái khám, thị lực của chị Diễm giảm sút nghiêm trọng, không nhìn thấy bàn tay trước mặt; đọc sách phải dí sát mắt vào trang giấy mới nhìn thấy chữ… Các bác sĩ Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ đã khám, hội chẩn và kết luận chị Diễm mắc chứng bệnh tồn tại màng đồng tử và được chỉ định phẫu thuật càng sớm càng tốt để đảm bảo thị lực. Căn bệnh này không hiếm, nhưng việc màng đồng tử che kín như chị Diễm là rất ít khi xảy ra.
Sau phẫu thuật, thị lực bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Ngày 10-11, chị Diễm chia sẻ sau tái khám: “Sau 2 lần phẫu thuật, em đã nhìn rõ hơn trước rất nhiều. Các bác sĩ nói nếu khám và điều trị sớm, căn bệnh hiếm gặp như em không khó để điều trị”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Long (Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ) cho biết, tồn tại màng đồng tử là một bệnh lý bẩm sinh do sự phát triển sai lệch của mống mắt, tạo nên những dãy xơ chắn trước đồng tử, ảnh hưởng thị lực người bệnh. Người bệnh ban đầu sẽ khó phát hiện vì biểu hiện ban đầu của bệnh lý này nhìn không rõ, từ từ, màng trở nên dày hơn sẽ gây cản trở việc quan sát.
Tồn tại màng đồng tử là một dị tật mắt bẩm sinh chiếm 95% dị tật mắt ở trẻ sơ sinh và 20% ở người trưởng thành
“Khi thấy người có triệu chứng giảm thị lực, bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên ngành Mắt để khám sớm, tránh để bệnh phát triển gây khó cho quá trình điều trị. Hiện kỹ thuật dùng Laser Yag cắt màng hoặc phẫu thuật cắt màng đồng tử mang lại hiệu quả cao, ít xảy ra biến chứng, nên bệnh nhân không nên quá lo lắng”, bác sĩ Nguyễn Thành Long khuyến cáo.