Hà Nội: Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ

Xã hội - Ngày đăng : 17:59, 15/11/2022

(HNMO) - Ngày 15-11, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Trên địa bàn thành phố hiện có 29 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 18.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, hệ thống chợ phục vụ 60% nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực phẩm trên địa bàn.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ; hoàn thành việc khảo sát toàn bộ hệ thống, mạng lưới chợ để đánh giá về hạ tầng thương mại đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức 268 lớp tập huấn với trên 11.000 lượt người tham dự, 96 hội nghị, hội thảo; hướng dẫn hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chợ bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn… Hiện, Sở đang hướng dẫn một số chợ lắp đặt nhà xét nghiệm nhanh tại chợ để người tiêu dùng khi mua sắm có thể kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa; phân cấp toàn diện công tác quản lý chợ cho các quận, huyện, thị xã...

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Thị Phương Lan, với hệ thống phân phối hiện đại thì việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cơ bản bảo đảm. Còn tại hệ thống chợ, mặc dù có kiểm soát nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập, như nhận thức của nhiều hộ tiểu thương còn yếu, chưa chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được làm thường xuyên; nhận thức của người tiêu dùng “tiện đâu mua đấy”, không để ý đến nguồn gốc sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn.

Khảo sát tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho thấy, dù là nơi cung ứng lượng hàng hóa, thực phẩm lớn trên địa bàn, nhưng cơ sở vật chất cả hai chợ này không bảo đảm các điều kiện hoạt động về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị.

Có tới 30% số hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh. Trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh của chợ và các cơ sở chưa đáp ứng được điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh. Các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ…

Trước thực trạng kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng, sức khỏe của nhân dân cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ cùng các sở, ngành thành phố, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; phối hợp với UBND các quận, huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện các thủ tục pháp lý; đẩy mạnh cấp biển nhận diện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ…

Thanh Hiền