Tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 10:31, 16/11/2022
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến hết ngày 10-11-2022, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra hơn 8.000 cơ sở, trong đó hơn 700 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử phạt với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 9-11, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra và phát hiện cơ sở giết mổ tại ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom do ông N.V.T làm chủ đang giết mổ 3 con lợn với trọng lượng gần 300kg thịt không bảo đảm vệ sinh.
Tiếp tục kiểm tra cơ sở giết mổ tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom do ông N.V.H làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện tại đây đang giết mổ 3 con bò... Chủ 2 cơ sở đều không xuất trình được giấy phép giết mổ do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai Trần Minh Thành cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra các cơ sở giết mổ trên địa bàn giai đoạn từ nay đến cuối năm. Qua đó, góp phần chấn chỉnh tình trạng giết mổ trái phép xảy ra ở một số địa phương. Tinh thần là xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo quy định.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai Võ Thái, những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, tuyên truyền, xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm, quán ăn, cơ sở sản xuất thực phẩm, chất phụ gia...
Đặc biệt, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ, các cơ sở kinh doanh, giết mổ trên địa bàn…
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm và xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng…
Cơ quan chức năng cũng đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh và phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, chuyển thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định. Đáng chú ý, trong tháng 10-2022, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 3 vụ ngộ độc, trong đó có vụ ngộ độc về rượu làm 2 người tử vong…
Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho hay, cũng như các năm trước, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2023 là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban đã triển khai nhiều đợt tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố; chú trọng kiểm tra tại các cơ sở phân phối, các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các sai phạm.
UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố giao Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc để các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm...
Công an thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với các loại mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng…