Tạo thói quen trong phân loại rác thải
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 21/11/2022
Từ năm 2021, mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn” được Hội Liên hiệp phụ nữ 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn triển khai thí điểm trên địa bàn 1-2 xã và sau đó triển khai đồng loạt đến 100% số xã theo 2 phương pháp: Ủ vi sinh bằng chế phẩm và ủ vi sinh bản địa IMO4. Sau đó, tháng 10-2022, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội chính thức triển khai thí điểm tại 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức, Quốc Oai nhằm hiện thực hóa Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025” của UBND thành phố Hà Nội.
Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Hoàng Thu Hồng cho biết, bước đầu triển khai, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mô hình trên thực sự đã đến gần được với nhân dân. Đây là mô hình hay, dễ làm, dễ sử dụng và tiết kiệm chi phí tối đa, đồng thời mở ra hướng đi cho mô hình kinh tế tuần hoàn đối với các hộ gia đình tại nông thôn.
Thôn Yêm (xã Đông Xuân) và xã Phú Cường là 2 đơn vị được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn lựa chọn làm điểm triển khai thực hiện Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình, khởi nghiệp từ rác” bằng chế phẩm IMO4. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đông Xuân Nguyễn Thị Lâm cho biết, rác thải hữu cơ sau khi được xử lý qua chế phẩm IMO4, các hộ gia đình dùng làm phân bón, tưới cho cây trồng, hoặc làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Đến nay, có 10/10 thôn của xã đã và đang triển khai thực hiện mô hình này với khoảng 700 hộ dân tham gia khá hiệu quả.
Từ kết quả các xã làm thí điểm thành công trong năm 2021, đến nay đã có 24 xã, thị trấn của huyện Đông Anh cũng triển khai phân loại và ủ phân hữu cơ tại nhà. Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ việc thực hiện mô hình, Trưởng thôn Nghĩa Vũ (xã Dục Tú) Lê Thị Huế cho biết, trung bình mỗi ngày, thôn phát sinh khoảng 1 tấn chất thải. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã dùng phương pháp ủ phân hữu cơ tại nhà. Với cách làm này đã giảm 30-50% lượng rác thải phát sinh/hộ dân. Các hộ gia đình cũng đã tạo thói quen phân loại và xử lý rác hữu cơ...
Mặc dù các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ cách làm hay về việc phân loại rác tại hộ gia đình, tuy nhiên, vẫn gặp một số khó khăn. Các mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn phần lớn đều do các cơ sở Hội chủ động triển khai, do vậy còn thiếu tính đồng bộ, chưa thu hút được đông đảo hộ dân tham gia, khiến mô hình chưa phát huy được toàn bộ giá trị…
Khắc phục hạn chế trên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh đề xuất, thành phố nghiên cứu, xây dựng phương thức, phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ, từ thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình tới các điểm tập trung phân loại rác thải; tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường...
Trong năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội dự kiến tiếp tục triển khai mô hình đến 13 huyện còn lại của thành phố. Các cấp Hội đều kỳ vọng và tin tưởng rằng với những bước chuẩn bị, thí điểm mô hình kỹ lưỡng cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ, tư vấn của các tổ chức xã hội về công tác bảo vệ môi trường và quan trọng nhất là sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của hội viên và các tầng lớp nhân dân, mô hình sẽ được triển khai thành công, đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, tạo thói quen trong việc phân loại rác thải của người dân Thủ đô, góp phần xây dựng Hà Nội sáng - xanh - sạch - đẹp.