Những người khiếm thị vượt qua “bóng tối”

Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 01/12/2022

(HNM) - Nhận được sự quan tâm, trợ giúp từ nhiều phía, không ít người khiếm thị trên địa bàn Hà Nội đã vượt qua “bóng tối”, tìm thấy niềm tin, ánh sáng từ cuộc sống. Họ thực sự là những tấm gương vượt khó, xứng đáng được biểu dương.

Trong cộng đồng người khiếm thị, nhiều người biết đến tinh thần nỗ lực vươn lên của chị Khương Thị Bích Hằng (sinh năm 1996), hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân. Vốn yêu thích học tiếng Anh, chị Hằng dành thời gian và niềm đam mê cho môn học này. Bền bỉ nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ, chị đã thi đỗ vào Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sau khi tốt nghiệp đại học vào tháng 7-2021, chị Hằng đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Nội dung của Dự án “The EYES Project” - dự án kết nối cộng đồng người khiếm thị và cộng đồng người không khiếm thị, tham gia nhiều phong trào tình nguyện, thường xuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho người khiếm thị. Trong các hoạt động của Hội Người mù quận Thanh Xuân, chị Hằng là người lên ý tưởng cho nhiều sự kiện, làm giáo viên của câu lạc bộ tiếng Anh với nhiều học viên đang theo học. Ngoài “sân chơi” tri thức, tháng 10 vừa qua, chị Hằng còn tự tin tham gia cuộc thi “Tài sắc Thanh Xuân” do Hội Người mù quận Thanh Xuân tổ chức, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người chứng kiến.

Với hành trình nỗ lực vươn lên cùng những đóng góp cho cộng đồng, chị Hằng là một trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổ chức.

Trường hợp trẻ tuổi khác có hành trình vượt qua “bóng tối” đáng trân trọng là chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1998), hội viên Hội Người mù huyện Phúc Thọ. Khi đang là học sinh Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng), chị Hồng được nhóm sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thể dục, thể thao Bắc Ninh đến ngôi trường đặc biệt này hướng dẫn học sinh khiếm thị chơi cờ vua. Tiếp xúc với môn thể thao trí tuệ, dần dần chị Hồng đam mê. Đến năm 2016, chị chính thức là vận động viên của đội tuyển cờ vua người khuyết tật Hà Nội. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, chị Hồng khoác áo đội tuyển quốc gia bộ môn cờ vua, thi đấu tại ASEAN Para Games 11 và giành 2 Huy chương vàng cá nhân. Từ trải nghiệm của bản thân, chị Hồng chia sẻ: “Chỉ cần mỗi người không đầu hàng số phận, thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua”.

Ngoài những người trẻ, Hà Nội còn có nhiều tấm gương nỗ lực vượt qua “bóng tối”, khi đã ở độ tuổi trưởng thành. Có thể kể đến trường hợp anh Nguyễn Văn Mạnh, hội viên Hội Người mù huyện Đông Anh mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi bò sinh sản. Ngoài ra, anh Mạnh còn đầu tư sửa chữa, cải tạo lại vườn cây ăn quả và 2 sào ruộng chuyên canh rau màu, thu về nguồn lợi khoảng 60-80 triệu đồng/năm…

Theo Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội Lê Trung Quyết, nhiều người khiếm thị ở Thủ đô đã vượt qua bóng tối của đôi mắt bằng bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin của họ và sự động viên, trợ giúp của cộng đồng. Những thành công ban đầu của họ đã lan tỏa, thực sự là động lực để những người khuyết tật tự tin vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Phú Cường