Góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 12:06, 05/12/2022
Sức khỏe bệnh nhân phục hồi tích cực
Giữa tháng 11-2022, bệnh nhân N.V.H, trú tại xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) đến Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức khám và điều trị trong tình trạng sức khỏe thể chất và tâm thần suy giảm nghiêm trọng. Sau quá trình kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân H bị suy gan nặng, đồng thời bị rối loạn tâm thần. Trong trường hợp này, nếu chuyển bệnh nhân đến những cơ sở y tế có thế mạnh về điều trị các bệnh về gan, thì người bệnh cũng không đủ tỉnh táo để phối hợp điều trị trong thời gian dài, dẫn đến nguy cơ tiếp tục suy giảm về sức khỏe. Do đó, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức quyết định tập trung điều trị bệnh rối loạn tâm thần cho bệnh nhân N.V.H kết hợp với hỗ trợ điều trị bệnh suy gan, trước khi chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện đa khoa. Sau gần 20 ngày tiến hành điều trị, hiện sức khỏe tâm thần của bệnh nhân N.V.H chuyển biến tích cực, dần trở lại nếp sinh hoạt bình thường, bệnh về gan cũng chuyển biến tốt hơn. Thấy rõ sự thay đổi của người thân, nên gia đình bệnh nhân N.V.H xin tiếp tục cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức.
Trường hợp khác là bệnh nhân N.V.T, trú tại xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa), có biểu hiện rối loạn hành vi, nhưng gia đình bệnh nhân lại cho rằng, ông T bị “ma làm” nên không đưa người thân đi điều trị. Đến khi bệnh nhân T thường cười một mình, bỏ bê ăn uống, không quan tâm đến vệ sinh cá nhân, ít ngủ… trong thời gian dài, thì những người xung quanh mới dần nhận ra ông N.V.T bị rối loạn tâm thần. Để đưa ông N.V.T đi điều trị, giữa tháng 11-2022, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức cử đội tình nguyện đưa xe về tận nơi; đồng thời sử dụng kỹ năng chuyên môn đón bệnh nhân đi điều trị an toàn. “Thực chất, bệnh nhân T bị tâm thần phân liệt, lúc nói chuyện một mình là người bệnh bị ảo thanh, chứ không có chuyện bị “ma nhập” như một số người thường nghĩ”, Phó Chủ nhiệm Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng thành phố Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Quốc Thắng cho hay.
Công tác điều trị cho bệnh nhân T được thực hiện trên căn cứ khoa học nên hiệu quả thấy rõ. Đến thời điểm đầu tháng 12-2022, bệnh nhân T tỉnh táo, cơ bản không còn nói một mình…
Ngoài những trường hợp nêu trên, nhiều bệnh nhân kiên trì tiến hành điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức dần ổn định sức khỏe, thậm chí có những trường hợp hòa nhập xã hội tương đối tốt. Có thể kể đến trường hợp ông Đ.V.H, trú tại xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức), từ một người bị tâm thần phân liệt, không còn khả năng lao động trong thời gian dài, hiện ông H thường xuyên làm việc nhà, chăn nuôi bò, gà, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình. Cùng ở xã Phúc Lâm, cùng điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, sức khỏe của ông N.X.L cơ bản hồi phục, ngày ngày sống vui vầy bên gia đình, con cháu…
Nhiều biện pháp hỗ trợ
Từ thực tế khám và điều trị, lực lượng y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần là do họ bị áp lực, căng thẳng trong công việc, cuộc sống, hoặc trải qua cú sốc tâm lý. Nguyên nhân khác là do người dân sử dụng, lạm dụng các chất kích thích, gây nghiện trong thời gian dài (các chất ma túy, rượu, bia…).
Để giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, trước hết, mỗi người cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần từ gia đình, cộng đồng. Xác định rõ điều này, những năm gần đây, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức phối hợp với các cơ quan chức năng của 9 quận, huyện, thị xã (quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Ứng Hòa) thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, giúp mỗi người hiểu rõ để chủ động phòng, chống. Cùng với đó là việc tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng, qua đó phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh về tâm thần để có phương án điều trị kịp thời. Bà Nguyễn Thị Thanh, trú tại xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) cho hay: “Sau khi tham gia một số buổi nói chuyện về sức khỏe tâm thần, tôi nhận ra, bản thân phải biết cách vượt qua những áp lực trong cuộc sống. Nếu không may gặp phải chuyện không vui, dễ gây căng thẳng, thì mỗi người nên chia sẻ với người thân, người đáng tin cậy, không nên giữ kín và suy nghĩ quá nhiều về nó”.
Đối với bệnh nhân phải tiến hành điều trị, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức áp dụng đồng thời nhiều giải pháp trị liệu cho người bệnh trong thời gian họ ở viện. Đó là liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp âm nhạc, liệu pháp lao động… Khi ra viện, bệnh nhân và người nhà của họ được hướng dẫn về phương pháp, cách sử dụng thuốc tại cộng đồng. Ngoài ra, bệnh viện đã thành lập 8 câu lạc bộ tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, duy trì sinh hoạt đều đặn 1 lần/tháng với nội dung nghe, nhận thông tin từ gia đình người bệnh và bệnh nhân để hướng dẫn hoặc tư vấn cho họ nắm được biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời… l
Bà V.T.H (là vợ của bệnh nhân Đ.V.H, trú tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức nêu phía trên) kể, trước đây, vì những rào cản tâm lý và xã hội, mà bản thân bà từng muốn che giấu tình trạng bệnh tật của chồng. Khi hiểu rõ vai trò của sức khỏe tâm thần, bà H đã đưa chồng đến Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức điều trị. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của các y, bác sĩ, hiện nay, bà H thành thạo các kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người thân, luôn nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đều đặn. Từ trải nghiệm thực tế, bà V.T.H nhắn nhủ: “Khi các gia đình có thành viên không may mắc bệnh tâm thần, thì nên đưa họ đi điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao”.
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, kết hợp giữa cơ sở y tế với các cơ quan chức năng và người dân trong cộng đồng, chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng có sự tham gia của Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức ngày càng chuyển biến rõ nét. Kết quả ấy được đánh giá bằng sự cải thiện sức khỏe của bệnh nhân, sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong một bộ phận không nhỏ người dân ở Thủ đô.