Trầm, kỳ - những lời đồn thổi và sự thực

Chính trị - Ngày đăng : 09:31, 08/10/2006

Chấn động giới trầm hương: Trên 100 kg kỳ nam giữa rừng sâu và những tiết lộ nóng hổi tại làng Mỹ Hảo ; rồi một ngôi làng mới xuất hiện - làng kỳ nam ; Một lít tinh dầu trầm hương trị giá gần một tỉ đồng...

Khối kỳ nam nặng gần 1kg này vẫn chưa có người muaChấn động giới trầm hương: Trên 100 kg kỳ nam giữa rừng sâu và những tiết lộ nóng hổi tại làng Mỹ Hảo ; rồi một ngôi làng mới xuất hiện - làng kỳ nam ; Một lít tinh dầu trầm hương trị giá gần một tỉ đồng... Thi thoảng những đồn thổi như thế lại rộ lên. Người nọ nhìn người kia, nhất là dân “điệu” (người tìm trầm), ngờ vực và thèm khát. Song sự thực như thế nào?

Gặp “Giáo sư trầm kỳ” và cuộc tiếp thị bất ngờ

Dân gian có câu thổi da trâu không sợ đòn, ý chỉ những người chuyên bé xé ra to, một bốc thành mười, mười tán thành trăm mà chẳng bị sao, chẳng kiêng dè gì ai. Vì không ai đánh thuế tội... đồn, cũng không ai phạt người bốc, nhất là những lời đồn, lời bốc ấy không vi phạm pháp luật. Chuyện đồn đoán nọ kia về những cú vớ bở trầm hương cũng thế. Chưa hiểu những lời đồn này có bao nhiêu phần trăm là sự thực song rõ ràng người người không khỏi xôn xao.

Bữa đó, không lâu sau dạo rộ lên những thông tin về cuộc đấu giá kỳ nam có một không hai, có phần kỳ bí ở ngôi làng kỳ nam (làng Mỹ Hảo, Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam) ông kêu tôi đến. Ông là một nhà khoa học có tiếng (đề nghị không nêu tên- PV), người đã có nhiều nghiên cứu kĩ lưỡng về trầm hương, từ việc khai thác, chiết xuất, trồng cây dó bầu tạo trầm đến thị trường và giá cả của trầm hương cũng như kỳ nam - cực phẩm của trầm hương. Đồng thời, ông cũng là người có một số sản phẩm được chiết xuất thành công từ tinh dầu trầm, đã được đem đi tiếp thị tại một số hội chợ ở nước ngoài. Lôi từ két sắt ra một khối đen sẫm, trông như gỗ, nhưng lại nặng hơn gỗ, ông hỏi: - Anh có biết đây là gì không? Tôi lắc đầu. Ông bảo: - Đây là trầm hương loại một và có lẽ là kỳ nam.

Trong giấy phép xuất khẩu, khối này được xác nhận là kỳ nam. Tuy nhiên, theo ông, dù kỳ nam có yếu tố cơ bản có thể thẩm định được là nặng hơn nước nhưng vẫn phải chiết xuất, đồng thời kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng xem có đủ các thành phần hay không mới có thể kết luận. Trầm hương ở dạng nguyên thủy chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan. Khối kỳ nam nặng gần 1kg này có một hành trình kỳ lạ: Nó được tìm thấy từ hồi kháng chiến chống Mỹ, thuộc sở hữu của một Cty lâm nghiệp ở Đà Nẵng. Lay lắt mãi không bán được, ông Tổng giám đốc Cty này nhờ ông bán hộ, với cái giá ban đầu đòi gần 100 triệu (khoảng 6.300 USD). Sau đó một thời gian, khi ông lắc đầu khó bán, ông Tổng giám đốc kia hạ dần, hạ dần rồi giờ thì bảo 3000 USD là đồng ý. Bằng các mối quan hệ của mình với giới trồng dó bầu, buôn bán trầm hương, ông đem khối kỳ nam đi chào. Một thương nhân người Nhật tên là Jitsuo Tanaka đã đến xem, khẳng định đây là kỳ nam song lắc đầu với cái giá 4000 USD. Khối kỳ nam này lại được chào tới một thương nhân người Pakistan là Al Dughaim Mohd với cái giá đã bị hạ xuống chỉ còn 3.200 USD. Trong khi hai bên chưa thỏa thuận được thì ông bảo: - Đành phải chờ dù thương nhân người Pakistan bảo rất muốn mua với số lượng lớn.

Trên thực tế, Cty nọ hiện vẫn còn một vài khối kỳ nam như vậy. Đây là điều hiếm có vì kỳ nam được khẳng định rõ ràng về nguồn gốc, có giấy phép xuất khẩu gần như không còn. Trong một thời gian dài, trầm hương, cũng như kỳ nam đã bị khai thác đến mức cạn kiệt (almost exhausted- theo đánh giá của một số tổ chức phi chính phủ về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên). - Suốt từ năm 1991 đến năm 1998, có lẽ chỉ có khoảng 100 kg (chưa đến 1% lượng trầm hương nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam) là kỳ nam nguyên thủy. Có một điều chắc chắn là kỳ nam ở Việt Nam hầu như đã cạn kiệt- theo nhiều thương nhân có mua bán trầm hương từ Việt Nam (Báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản). Một báo cáo của văn phòng thương mại Đài Loan cũng đưa ra nhận định này. Trong khi đó, Nhật Bản, Đài Loan là hai thị trường xuất khẩu trầm hương chủ yếu của nước ta. - Vị GS nọ cho hay.

Trong khi những lời đồn thổi về cơn sốt kỳ nam ấy liên tục khiến dân “điệu”, những người đốt ngải tìm trầm, nhấp nhổm không yên; người được cho là may mắn vớ được trầm hương cũng không yên vì được cho là đang giữ bạc tỷ thì khối kỳ nam nặng gần 1 kg, có giấy phép xuất khẩu đàng hoàng, được vị giáo sư, một chuyên gia về trầm hương có các mối quan hệ thương mại rộng rãi, chào bán vẫn lay lắt chưa tìm được người mua. Vậy thì có hay không chuyện mấy thanh niên làng Mỹ Hảo trúng đậm hơn một tạ kỳ nam, có hay không phiên đấu giá kỳ nam bí ẩn, chóng vánh ở làng kỳ nam ? Hầu hết những lời đồn thổi đều không có căn cứ xác thực, và rõ ràng chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, thông tin về giá cả những lô hàng từ trên giời rơi xuống này hoàn toàn không chính xác (chúng tôi sẽ đề cập trong kỳ sau).

Ông có trêu, nếu tôi giới thiệu được khách ông sẽ trả “hoa hồng”. Tất nhiên, nhà báo như tôi thì lấy đâu ra các mối quan hệ với giới buôn trầm để “ăn hoa hồng” của ông.

Một chiêu bán giống dó bầu?

Theo thống kê đến bây giờ, thế giới có cả thảy 28 loài thuộc chi Aquilaria, có khả năng cho trầm. Riêng Aquilaria Crassna, loài quí nhất mà một số vùng ở ta vẫn gọi là cây dó bầu, chỉ có mặt ở bốn nước và đặc biệt nhiều ở Việt Nam. Hàng loạt gia đình đã trồng dó bầu lấy trầm, ấp ủ giấc mộng trầm hương (chúng tôi đã thông tin trong bài viết Dó bầu- giấc mộng trầm hương, đăng trên Hànộimới Chủ nhật, số ra các ngày 14, 21- 5- 2006) với tổng diện tích của cả nước khoảng 20 nghìn hecta, tương đương 20 triệu cây. Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là một trong những nơi trồng nhiều nhất. Trước mắt, tạo trầm được hay không chưa biết song không chỉ ở Hương Khê mà nhiều vùng có cây dó bầu đã bắt đầu có nguồn thu từ kinh doanh cây giống. Giá một cây giống có chiều cao 40 cm khoảng 1.000 đồng.

- Tuy nhiên, việc các địa phương đua nhau trồng dó bầu hi vọng tạo trầm thì việc chiết xuất, đầu ra cho tinh dầu trầm từ cây dó bầu trồng như thế nào còn chưa rõ. Vì thế, người nọ người kia cứ thế đồn thổi về những cú trúng đậm kỳ nam, bán kỳ nam thu bạc tỉ chỉ để bán giống, tức huy động thêm nhiều người trồng. Điều này là sự thực. - Vị Giáo sư cam đoan và ông kể, chính ông đã được một địa phương nọ mời mua giống dó bầu do ông cũng có một diện tích dó bầu tương đối lớn trong Hà Tĩnh.

Có thể làm giả kỳ nam không?

Hiện chỉ còn ba nước cung cấp trầm hương cho thị trường thế giới là Việt Nam, Lào và Campuchia. Việt Nam là nơi duy nhất phân bố của loài aquirilla crassna, có thể tạo kỳ nam. Song để đánh giá, thẩm định trầm hương, kỳ nam không dễ. Vị Giáo sư cho hay: - Cách đánh giá chất lượng trầm kỳ hiện chủ yếu bằng cảm quan. Dù trầm được hình thành tự nhiên hay nhân tạo thì tiêu chí đánh giá chất lượng trầm là phải có hàm lượng của ít nhất ba hợp chất (phenylethyl chromone, sesquiterpene và liriodenine) với hàng vài chục dẫn xuất.

Như thế này thì rất ít người khẳng định được. Song về cơ bản phải có một vài thông tin như nguồn gốc của trầm kỳ được lấy từ đâu. Hiện 100% kỳ nam được buôn bán trên thị trường thế giới, phần lớn ở Nhật Bản, có nguồn gốc từ Việt Nam, nơi kỳ nam hình thành trong những cánh rừng nhiệt đới trên vùng đất dốc của dãy Trường Sơn.

Theo vị giáo sư nọ, cách làm giả kỳ nam hiện phổ biến nhất là lấy gỗ nặng để tẩm gỗ dầu trầm. Kỳ nam giả nhìn đen xịt, ngửi là thấy mùi dầu trầm ngay. Trong khi đó, kỳ nam thật thả xuống nước là chìm và chỉ đốt lên mới thấy mùi. - Rất nhiều người đã có thâm niên trong buôn bán trầm hương mà vẫn bị lừa bởi chiêu làm giả kỳ nam rất đơn giản này. - Ông cho biết.

Nguyên An (Còn tiếp)

ANHTHU