Kiểm soát chặt ''từ trang trại đến bàn ăn''

Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 19/12/2022

(HNM) - Bữa ăn bán trú một lần nữa trở thành vấn đề “nóng”, được cả xã hội quan tâm thời gian gần đây, sau vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể trường học, khiến một học sinh tử vong. Để sự việc đau lòng này không tái diễn, phụ huynh vơi bớt nỗi lo khi đưa con đến trường, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các bên liên quan, kiểm soát chặt quy trình “từ trang trại đến bàn ăn”.

Bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng) được thiết kế theo quy trình một chiều, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ảnh: Xuân Lộc

Khó nhất là truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Để bảo đảm an toàn bữa ăn học đường, thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào các bếp ăn trường học. Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trong công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn trường học, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm giữ vai trò quan trọng nhất. Nếu không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ không thể đánh giá được chất lượng của sản phẩm. Thế nhưng, đây cũng là việc khó làm nhất.

“Nhóm sản phẩm của ngành Nông nghiệp, như: Thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, thủy hải sản... không có bao gói nên để xác định sản phẩm đó xuất phát từ đâu là vấn đề rất khó khăn. Hơn nữa, việc thanh tra, kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm phải có sự phối hợp liên ngành, đi đến tận vùng chăn nuôi, trồng trọt. Thậm chí, có những sản phẩm, cơ quan chức năng mất cả một ngày mới tìm đến được nơi sản xuất, khiến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm tốn rất nhiều thời gian và kinh phí”, bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết thêm.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện. Qua kiểm tra, nhiều trường làm rất tốt, nhưng cũng có những trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn. Thêm vào đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt và nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ…

Không chỉ truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, câu chuyện vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn trường học là cả một chu trình từ ngoài đồng ruộng cho đến bàn ăn của học sinh. Tất cả các khâu, quy trình đều phải được kiểm soát chặt chẽ. Bởi, chỉ cần sai sót ở một khâu nào đó sẽ gây mất an toàn thực phẩm.

“Nếu kiểm soát được nguồn thực phẩm tốt, nhưng khâu chế biến, hoặc bảo quản không bảo đảm vệ sinh cũng khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn. Ngay cả khâu bảo quản thực phẩm sau khi nấu xong, nhiệt độ bao nhiêu mới hợp lý, vận chuyển đến trường thế nào… cũng là cả vấn đề không nhỏ”, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn nói.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra công tác lưu mẫu thức ăn tại bếp ăn của Trường Mầm non Cổ Bi (huyện Gia Lâm). Ảnh: Xuân Lộc

Không dễ dãi lựa chọn nhà cung cấp

Để bảo đảm sự khách quan và lựa chọn được nhà cung cấp tốt, nhà trường phải thành lập ban giám sát an toàn thực phẩm, trong đó có sự tham gia của phụ huynh học sinh.

Đại diện một công ty cung cấp suất ăn bán trú cho gần 100 trường học trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Một trường học ở quận Hoàng Mai đã cử hơn 100 người, gồm giáo viên chủ nhiệm của các lớp và phụ huynh học sinh đi kiểm tra, đánh giá năng lực của công ty chúng tôi trước khi ký hợp đồng cho năm học mới 2022-2023. Đây là điều thực sự rất quan trọng và cần thiết. Chỉ khi đến tận nơi mới biết được đơn vị cung ứng đó có sản xuất, chế biến, nuôi trồng… đúng như những gì họ quảng cáo, giới thiệu không”.

Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt tất cả các khâu, quy trình “từ trang trại đến bàn ăn”, theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhà trường cần thành lập các ban kiểm tra việc tiếp nhận thực phẩm, có sự góp mặt của ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh để kiểm tra về số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, nhà trường cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm với người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến, nguồn nước… Nhân viên y tế nhà trường cũng phải thường xuyên kiểm tra, test (xét nghiệm) nhanh mẫu thực phẩm hằng ngày tại các bếp ăn tập thể. Cùng với đó, triển khai test chuyên sâu định kỳ, phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm.

Còn theo Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, hiệu trưởng các nhà trường phải thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, không được dễ dãi trong việc lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm đưa vào trường học. Đối với các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất, tập trung kiểm tra nguồn gốc thực phẩm đầu vào tại các trường học. Thông báo công khai, minh bạch các nhà cung cấp thực phẩm đạt tiêu chuẩn và các đơn vị không đạt để các trường lựa chọn.

Thu Trang