Kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Xã hội - Ngày đăng : 14:42, 22/12/2022
Kế hoạch nêu rõ 5 mục tiêu cơ bản triển khai thực hiện trong năm 2023, gồm: Nâng cao năng lực quản lý bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; nâng cao kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm và kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường thành phố; xây dựng và thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm; khống chế ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
Để hoàn thành mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kịp thời xử lý các thông tin phản ánh mất an toàn thực phẩm.
Chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn thành phố, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn. Tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn vào Hà Nội.
Cùng với đó, thành phố sẽ kiểm soát, xử lý các sự cố, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Chủ động kiểm soát, tiếp nhận và xử lý kịp thời các sự cố, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra.
Ngoài ra, thành phố còn làm tốt việc tiếp nhận tự công bố sản phẩm theo thẩm quyền, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm tích hợp số liệu, hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm…