Nguy hiểm khi tự ý điều trị bệnh bằng thuốc Đông y
Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 23/12/2022
Tự ý dùng thuốc Nam khiến bệnh thêm nặng
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trường hợp này là điển hình trong số rất nhiều gia đình đã và đang cho con sử dụng các loại thuốc Bắc, thuốc Nam không rõ nguồn gốc để điều trị các bệnh về thận như suy thận mạn, thận hư, viêm cầu thận,... gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hội chứng thận hư là tình trạng một lượng lớn albumin bị mất qua nước tiểu. Lượng albumin mất này đủ để gây ra giảm albumin trong máu. Albumin có tác dụng giữ nước trong lòng mạch. Khi lượng albumin trong máu đủ thấp, nước sẽ thoát ra mô kẽ và gây ra phù. Phù có thể xảy ra ở các vùng khác nhau của cơ thể và ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Những vùng này gồm mắt, bụng, 2 chi dưới và bìu.
Biểu hiện đặc trưng của hội chứng thận hư là tình trạng phù: Đầu tiên xuất hiện ở mi mắt, mặt rồi lan đến toàn thân, gây nên tràn dịch màng phổi, màng bụng và tràn dịch tinh hoàn. Ngoài ra, trẻ có thể kèm theo các biểu hiện như tiểu ít, nước tiểu đục có nhiều bọt; tiểu ra máu; tăng huyết áp, tăng cân nhanh; ho, khó thở, đau bụng, sốt... Nếu bệnh nhi đã mắc suy thận nhưng không uống thuốc đều theo chỉ định của bác sĩ mà lại dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc sẽ dẫn đến tình trạng bệnh càng thêm nặng.
Việc tự ý dùng thuốc Nam, thuốc Bắc không chỉ xảy ra với các trường hợp bệnh nhi. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ từng cấp cứu cho một số trường hợp tự ý bỏ liệu trình điều trị của bệnh viện để mua thuốc Nam được chào bán trên mạng với cam kết khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong khi tình trạng đường huyết lại tăng lên, bệnh nặng dần, đã có trường hợp nhập viện trong tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, hoạt động chậm.
Các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là với những bệnh lý mạn tính, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bệnh nhân nên tìm hiểu để nắm được một số biểu hiện các bệnh lý, cần đi khám ngay nếu nghi ngờ bệnh và luôn phải khám đúng lịch hẹn định kỳ để biết được diễn biến bệnh và có phác đồ điều trị hợp lý.
Thuốc Nam có “lành tính” hơn tân dược?
Theo một số chuyên gia y tế, về nguyên tắc, đã gọi là thuốc, bất kể tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc Nam) đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người.
Đặc biệt, việc sử dụng thuốc Đông y nhiều khi còn phức tạp hơn tân dược vì trong thuốc Đông y không chỉ có dược chất chính mà còn rất nhiều chất khác, thậm chí cả tạp chất nếu thuốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hơn nữa, trong thuốc Đông y gồm rất nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải. Ngoài ra, các loại thuốc Đông y nếu bảo quản không tốt, bào chế sai quy cách hoặc vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc... dễ gây dị ứng. Bên cạnh đó, người bệnh dùng phối hợp nhiều loại thuốc, có cả tân dược và đông dược cũng dễ dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể.
Có thể nói, do hiểu biết còn nhiều hạn chế, một số bệnh nhân vẫn tin rằng các bệnh lý mạn tính có thể chữa hoàn toàn bằng thuốc Nam, thậm chí cho rằng thuốc Nam lành tính, ít tác dụng phụ như sử dụng thuốc tân dược kéo dài. Tuy nhiên, nếu uống thuốc Nam mà không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ cũng khiến cho quá trình chữa bệnh kéo dài, bệnh thêm nặng gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, để ngăn ngừa những tai biến do dùng thuốc Nam, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, hoặc đến khám các phòng mạch lương y được cấp phép, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.