Mạnh tay ngăn chặn thực phẩm “bẩn”
Xã hội - Ngày đăng : 07:23, 25/12/2022
Ngày 14-12, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện và tạm giữ 1 tấn nầm lợn và 0,8 tấn tràng trứng gà không có hóa đơn chứng từ, không đủ điều kiện làm thực phẩm cho người tại phố Xuân La (quận Tây Hồ). Ngày 12-12, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra và tạm giữ 510 lít rượu thủ công không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại cơ sở kinh doanh rượu thủ công ở Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì). Trước đó, vào đầu tháng 12-2022, lực lượng chức năng đã kiểm tra, tạm giữ gần 1,2 tấn ức vịt và cánh gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một hộ kinh doanh ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm…
Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như cả nước liên tục phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan tới hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc. Điểm chung của các vụ việc này là hàng hóa tạm giữ có số lượng lớn và đều là các lô hàng 3 không: Không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định đồng thời đều có xuất xứ từ nước ngoài. Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì khó phát hiện số hàng này là thực phẩm “bẩn”, nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn 1 năm, thậm chí 2 năm.
Đối với sản phẩm rượu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Chu Thị Vân Anh thông tin, hiện nay trên thị trường có khoảng 70% lượng rượu được nấu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao dịp cuối năm và vì lợi nhuận đã khiến một số đối tượng bất chấp quy định ngày đêm tuồn thực phẩm “bẩn” bán ra thị trường. Từ góc độ người tiêu dùng, chị Lê Phương Mai (ở phố Đức Giang, quận Long Biên) thừa nhận, có thể nhận biết và tránh xa thực phẩm “bẩn” ngoài thị trường, còn khi tới quán ăn, nhà hàng thì điều này gần như không thể.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, nhằm ngăn chặn hành vi kinh doanh, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp lễ, Tết để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đang tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, tập kết, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ…; nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao dịp Tết, như: Thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm nhập lậu; bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá nhập lậu… Cục cũng phối hợp kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại địa bàn các quận, huyện và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam tới Hà Nội.
Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành ký cam kết, tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh hiểu được tác hại của việc sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó hạn chế các hành vi vi phạm. Đối với người tiêu dùng, cơ quan chức năng khuyến cáo, nên chọn sản phẩm có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà mua phải những thực phẩm "bẩn" trà trộn, nguy cơ gây hại cho sức khỏe bản thân và gia đình.