Hội Nông dân xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp
Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 13/01/2023
Con đường dẫn vào các thôn của xã Ba Trại (huyện Ba Vì) rực rỡ sắc hoa. Bà Lê Thị Thu, người dân xã Ba Trại phấn khởi cho hay, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, đường hoa của Hội Nông dân huyện Ba Vì, Hội Nông dân xã Ba Trại đã trồng, chăm sóc đường hoa ở các thôn, xóm. Đặc biệt, cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, hội viên, nông dân cùng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm...
Nói về hoạt động xây dựng làng quê xanh, sạch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường thông tin, trong năm 2022, Hội Nông dân huyện đã gắn biển được 31 mô hình "Hàng cây nông dân" tại 27 xã với tổng số 2.749 cây, tổng trị giá cây giống hơn 1,2 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch hưởng ứng phong trào và cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn” của huyện, Hội Nông dân 31/31 cơ sở tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, chỉnh trang khuôn viên sáng, xanh, sạch, đẹp vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, thu hút hơn 15.000 lượt hội viên tham gia.
Tương tự, tại huyện Thường Tín, phong trào vệ sinh môi trường, trồng, chăm sóc cây xanh đã trở thành hoạt động chủ đạo của Hội. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thường Tín Bạch Văn Huân cho hay, Hội Nông dân huyện có cách làm sáng tạo, đạt nhiều kết quả rõ nét trong xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp. Điển hình là Hội Nông dân xã Hồng Vân, từ những hoạt động thiết thực, cụ thể của người dân, Hồng Vân ngày càng đổi mới về cảnh quan, trở thành vùng quê đẹp, văn minh. Không chỉ có những con đường khang trang, hoa nở bốn mùa, mà tại mỗi tuyến đường, bà con còn trồng một loại cây đặc trưng để tô điểm vẻ đẹp cho vùng quê. Nhiều hộ gia đình còn tự xây dựng những vườn hoa, cây cảnh, vừa tạo cảnh quan đẹp cho ngõ xóm, vừa bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề xã Hồng Vân được thành lập từ năm 2012, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường làng nghề.
Về hoạt động bảo vệ môi trường của các cấp Hội Nông dân thành phố, theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng, tính đến hết năm 2022, các cấp Hội đã hướng dẫn xây dựng 492 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức trồng và gắn biển 112 hàng cây nông dân với tổng số 9.250 cây; 60 tuyến đường hoa nông dân với độ dài 18,5km; 35 mô hình cánh đồng sạch; 38 mô hình hàng cây kiểu mẫu.
Không chỉ bảo vệ môi trường, Hội Nông dân các cấp thành phố còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể, trong năm qua, Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo bộ Tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, Hội đã vận động nông dân tích cực thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tham gia sửa chữa 1.795km giao thông nông thôn; nạo vét, kiên cố hóa 564km kênh mương nội đồng; đóng góp 26.750 ngày công, hơn 6.574 triệu đồng xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng, Hội Nông dân thành phố còn chỉ đạo tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với 339.745 hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 36 lớp tập huấn, tọa đàm về công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngành nghề nông thôn cho 4.140 cán bộ, hội viên nông dân... Mục tiêu của Hội Nông dân thành phố đến năm 2025 có hơn 80% cán bộ Hội các cấp và hơn 60% hội viên, nông dân được tập huấn nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thành lập các Chi Hội nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.