Chủ động bảo đảm sự ổn định của Quỹ Bảo hiểm y tế
Xã hội - Ngày đăng : 08:13, 05/02/2023
Con số này mang nhiều ý nghĩa, cho thấy chính sách BHYT ngày càng mở rộng diện bao phủ, tăng tính hấp dẫn, nên được nhiều người dân tham gia, sử dụng để chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, việc tăng nhanh số lượt người khám, chữa bệnh đồng nghĩa số tiền chi từ Quỹ BHYT dự kiến tăng lên, đặt ra vấn đề cần bảo đảm sự ổn định của nguồn quỹ.
Đây không phải là vấn đề mới, bởi từ năm 2022, việc chi Quỹ BHYT đã vượt dự toán Chính phủ giao tại không ít địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội. Thống kê của BHXH thành phố Hà Nội cho thấy, năm 2022, các cơ sở y tế trên địa bàn tiến hành điều trị cho hơn 10,7 triệu lượt bệnh nhân BHYT, với tổng số tiền chi từ Quỹ BHYT là gần 19.170 tỷ đồng, bằng 101,75% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. So với năm 2021, số lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng 24,9%, chi phí tăng 20,8%.
Nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho người tham gia, đồng thời bảo đảm sự ổn định của Quỹ BHYT, năm 2023, BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, chú trọng thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất việc thực hiện chính sách BHYT tại nhiều địa phương, đơn vị. Trong qua trình thanh, kiểm tra, các bên ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu để nâng cao hiệu quả, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, có hành vi lợi dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đây là giải pháp quan trọng nhằm mở rộng diện bao phủ BHYT, tăng nguồn thu cho Quỹ BHYT và tăng tính chia sẻ của chính sách. Đặc biệt, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BHYT; chủ động ngăn ngừa các hành vi trục lợi, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT trên địa bàn…
Theo hướng này, các tỉnh, thành phố chủ động bảo đảm sự ổn định của Quỹ BHYT bằng nhiều giải pháp. Tại Hà Nội, BHXH thành phố dự kiến số lượng người khám, chữa bệnh ngay từ đầu năm, để có dự toán về số tiền chi phù hợp. Căn cứ kết quả khám, chữa bệnh BHYT những năm trước đó, dự kiến năm 2023, Hà Nội có khoảng hơn 11 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền chi từ Quỹ BHYT khoảng hơn 20.500 tỷ đồng.
Bảo đảm nguồn quỹ chi đúng, tại Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 12-1-2023 về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác BHXH, BHYT, UBND thành phố yêu cầu các bên kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; trích chuyển ngay dữ liệu khám, chữa bệnh lên Hệ thống thông tin giám định BHYT sau khi kết thúc lần khám bệnh hoặc đợt điều trị nội trú của bệnh nhân. Việc quản ý và sử dụng nguồn khám, chữa bệnh BHYT, đấu thầu thuốc, vật tư y tế phải đúng, đủ và được thanh tra, kiểm tra thường xuyên.
Với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của các chi phí khám, chữa bệnh BHYT đề nghị thanh toán.
Là cơ quan thực hiện chính sách, BHXH thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng kiểm tra, quản lý việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế; thực hiện thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Cách làm của thành phố Hà Nội cũng được nhiều tỉnh, thành phố khác triển khai, cùng hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho tham gia BHYT, đồng thời bảo đảm sự ổn định của Quỹ BHYT, góp phần củng cố vững chắc hơn khối an sinh.