Lại lo an toàn thực phẩm mùa lễ hội
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 06/02/2023
Biến vỉa hè thành nơi đun nấu
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) những ngày đầu năm mới luôn tấp nập du khách đến cầu tài, cầu lộc, du xuân. Cùng với đó, dịch vụ ăn uống cũng mọc lên như nấm. Dù đã được sắp xếp quy củ hơn trước nhưng điều dễ nhận thấy, nhiều quán ăn đã biến vỉa lè, lòng đường thành nơi đun nấu, chế biến thực phẩm. Những mẹt bánh đúc, bánh rán, bánh tôm… được bày bán ngay lối đi, không có tủ kính che đậy.
Theo quy định của Bộ Y tế về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thì nơi chế biến thức ăn phải được thiết kế theo nguyên tắc một chiều khép kín. Thực phẩm sống và chín không để lẫn lộn. Đồ ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, có thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và bày bán trên bàn hoặc giá kệ cao hơn mặt đất ít nhất 60cm…
Thế nhưng, mục sở thị tại nhà hàng Nguyệt Nga (45 cổng Phủ Tây Hồ), khu vực bếp lại được thiết kế ngay trước cửa quán. Những chồng bát, đĩa sạch; các mẹt thức ăn chín; những chậu cua, ốc sống cùng chiếc chảo mỡ nghi ngút khói... đều được “phơi trần” ngay lối vào. Người bán hàng vừa nhanh tay xào, nấu thức ăn vừa luôn mồm mời chào thực khách.
Gần đó, nhà hàng Hương Hiếu (25 cổng Phủ Tây Hồ) cũng thiết kế bếp nấu ngay tại vỉa hè, 4 bình gas to được đặt ngay trước cửa quán. Còn tại nhà hàng Lâm Tuấn Đạt (27 cổng Phủ Tây Hồ), nhân viên thản nhiên ngồi rán bánh tôm bên vệ đường. Những chiếc bánh nóng vớt ra khỏi chảo được bỏ vào chiếc khay đặt cách mặt đất chỉ khoảng 30cm. Tại những gánh hàng rong di động, từ thúng bánh rán, đến khay hoa quả dầm, xúc xích… đều được bày bán không che đậy. Người bán hàng dù đeo găng tay nhưng đôi găng tay ấy vừa dùng để đếm tiền vừa bốc thức ăn cho khách…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Thẩm Ngọc Trung, Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ cho biết, năm nay, tại Phủ Tây Hồ có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định. Mới đây, cơ quan chức năng của quận đã tiến hành kiểm tra và xử phạt 30 triệu đồng 7 cơ sở với các lỗi vi phạm như: Chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh; không đeo khẩu trang; không đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín… Công tác kiểm tra, giám sát sẽ tiếp tục được tăng cường để kịp thời chấn chỉnh những cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Những ngày này, tại lễ hội kéo dài nhất trong năm, suốt 3 tháng xuân - chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) luôn trong cảnh đông đúc. Theo ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức, tại lễ hội chùa Hương năm nay có 118 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đây chủ yếu là những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thời vụ nên dễ tạm bợ, lộn xộn…
Do đó, trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.
Chung tay giám sát an toàn thực phẩm
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân năm 2023, Hà Nội đã có 676 đoàn thanh tra, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra hơn 5.000 cơ sở, trong đó có 520 cơ sở vi phạm và xử phạt 296 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 224 cơ sở.
Đánh giá về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết và lễ hội xuân 2023 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, trong dịp này, các cơ quan chức năng của Hà Nội không chỉ tăng cường thanh tra, kiểm tra mà còn truy xuất nguồn gốc thực phẩm để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng, đặc biệt là tại những nơi tập trung đông người và nơi tổ chức lễ hội.
“Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân và du khách cũng nên nâng cao ý thức, cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm. Ngay tại chùa Hương, chúng tôi đã bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách về an toàn thực phẩm. Do đó, người dân khi phát hiện cơ sở vi phạm có thể gửi thông tin để cơ quan chức năng xác minh và kịp thời xử lý”, ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức lưu ý.
Tại các khu di tích, lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội năm nay có trên 500 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tính từ đầu Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra được trên 400 cơ sở, qua đó xử phạt hơn 150 triệu đồng đối với 49 cơ sở và nhắc nhở 103 cơ sở chưa tuân thủ một số quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.