Đánh giặc, làm thơ

Xã hội - Ngày đăng : 08:48, 24/09/2006

Đó là một nét đẹp truyền thống của tướng sĩ Đại Việt xưa, cũng như trong lực lượng vũ trang ta hiện nay. Tiếng gươm khua, tiếng bom đạn không thể làm cho hoa ngưng nở, tiếng dân ca tắt lịm. Các nhà thơ buộc phải cầm gươm cầm súng cũng vậy, đã không đánh mất thi hứng trong cuộc đời chiến trận của mình.

Báo chí, món ăn tinh thần của các chiến sĩ sau giờ luyện tập trên thao trường Ảnh: DKĐó là một nét đẹp truyền thống của tướng sĩ Đại Việt xưa, cũng như trong lực lượng vũ trang ta hiện nay. Tiếng gươm khua, tiếng bom đạn không thể làm cho hoa ngưng nở, tiếng dân ca tắt lịm. Các nhà thơ buộc phải cầm gươm cầm súng cũng vậy, đã không đánh mất thi hứng trong cuộc đời chiến trận của mình.

Một Trần Quang Khải với “Tụng giá hoàn Kinh Sư”, một Phạm Ngũ Lão với “Thuật Hoài”, và trước đó, Lý Thường Kiệt với bài Thơ Thần đã là những minh chứng lẫm liệt về hồn thơ trong tâm tưởng các tướng lĩnh kiệt xuất. Thời đại Hồ Chí Minh, 30 năm ròng rã chiến đấu để giữ vững nền độc lập, cả nước ra trận, toàn dân là lính. Truyền thống làm thơ trong lực lượng vũ trang nhân dân được phát huy đến mức Vườn thơ như thể vườn xuân / tràn đầy thi hứng, tướng quân gieo vần.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu văn nghệ, hằng viết sách, chơi dương cầm và làm thơ. Thật hạnh phúc cho quân đội, dân tộc ta có một vị Tổng tư lệnh văn võ toàn tài.Báo “Cựu chiến binh Thủ đô” đăng bài thơ tiễn trung đoàn 148 do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy tiến quân vào vùng Tây Bắc; thể lục bát, có 4 câu vừa nhuyễn vừa tinh, gửi gắm được bao nỗi niềm:

Sông Đà, sông Mã uốn dòng

Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào

Con vàn tung cánh bay cao

Ngọn cờ chỉ lối, ngôi sao dẫn đường

(Chú thích của báo: vàn là con vạc)

Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát hai câu thơ của Đại tướng: Vài mươi năm nữa tròn trăm tuổi / Tâm hồn cộng sản vẫn thanh xuân. Rất trẻ và rất sáng, chúng xứng vào các tuyển thơ ở các nhà xuất bản.

“Thời sôi động” là tập hồi kí của cố Đại tướng Chu Huy Mân, NXB Quân đội ấn hành, có mấy bài thơ. Một trong số đó, có 7 khổ, được chú: “Ông cùng bà ra bãi tha ma Chùa Phủ thắp hương mộ bố mẹ và con trai đầu”

Con về sau hội lớn mùa thu

Mùa thu đến muộn mẹ khó chờ

Giặc đói cướp luôn bà lẫn cháu

Đau buồn, trọn nghĩa với ông cha

Mẹ ơi!

Từ mùa đôngấy một lời nguyền

Mười lăm năm, không ít gian truân

Con về cha mẹ đều đã khuất

Chứng dám lòng con có nhân dân…

Thượng tướng Trần Văn Quang, từng cầm cờ Bộ Tổng tham mưu,thời chỉ huy đại đoàn 304, được Bác đến thăm ở cây số 5 đường rẽ Tuyên Quang, đã xúc động:

Bác Hồ thăm cháu – bố thăm con

Chủ tịch thăm quân việc nước non

Lãnh tụ chan hòa cùng chiến sĩ

Lòng quân, tình Bác sáng vàng son

Thiếu tướng Lê Nam Thắng, nguyên tư lệnh Quân khu Bốn, Quân khu Thủ đô, nay nghỉ hưu ở phố Tăng Bạt Hổ. Thời mang số tù 3029 ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, ông cảm tác:

Tết này không rượu cũng không hoa

Ngày xuân vẫn đến với lòng ta

Chân cùm tay xích nơi rừng thẳm

Chí trai giữ trọn để xông pha

Sẽ đến ngày mai phá xích xiềng

Lời thề chiến sĩ rất thiêng liêng

Lại về hoạt động dân che chở

Lửa hồng cách mạng sáng trăm miền

Thiếu tướng Nguyễn Chuông, nhà ở khu tập thể quân đội Mai Dịch, nguyên là Phó Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Sinh thời, vị tướng xuất thân nhà nông này rất đậm nét chân quê, hằng cầm bút viết đều sau mỗi cơn trận mạc, khitrong mình còn nhức nhối thương tật. Ông đã ra 6-7 đầu sách. Cuốn “Đời binh nghiệp của tôi”, NXB Thanh niên, có những câu thanh thoát:

Trong tim tôi thắp lửa tự bao giờ

Mà mỗi bước rừng khuya tôi không lạc

Lửa từ Nghệ An Xô viết

Bao năm rồi, ánh sáng vẫn bùng lên

Ơi những buổi xa nhà cầm súng

Nghe xôn xao đất nước gọi tên mình

Mỗi chiến sĩ mang trong lòng ngọn lửa

Thắp lửa lên thiêu cháy đồn thù

Thượng tướng – giáo sư Vũ Lăng, quê Thanh Trì, làm thơ gửi lại trước khi lên đường vào Nam đánh Mỹ:

Tám chục tuổi vẫn còn lên ngựa

Múa gươm xông trận giữa ba quân

Tướng quân Thường Kiệt tên lừng lẫy

Giặc kia nghe thấy chạy thục thân

Ta năm nay mới năm mươi lẻ

Tóc dẫu pha sương, lòng còn trẻ

Miền Nam tiếng súng còn chưa ngớt

Luống thẹn mình nghe chuyện thời xưa

Ba lô, gậy cũ lại lên đường

Vai vác ba lô lòng trẻ lại

Đầu xanh, đầu bạc kề vai bước

Lại thấy trong lòng tuổi đôi mươi

Phải chăng “chuyện thời xưa” đây khởi nguồn từ “Tụng giá hoàn Kinh Sư”, bài thơ nổi tiếng của Thượng tướng Trần Quang Khải cách nay hơn 700 năm ? Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi nước Nam, ngày mồng 6 tháng 6 năm ất Dậu 1285, ông phò giá vua Trần về lại Kinh đô Thăng Long.

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái Bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu

(Thơ văn Lý Trần tập II)

Những vần thơ của các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam – những công dân của vùng đất Hà Nội - đã và sẽ góp phần làm sáng thêm truyền thống tốt đẹp của cái nôi ngàn năm văn vật.

Tạ Hữu Yên

ANHTHU